Quân đội Nga trong hai ngày qua huy động 75 vận tải cơ liên tục đưa khoảng 3.000 lính dù cùng nhiều thiết giáp, xe đặc chủng tới Kazakhstan để giúp quốc gia Trung Á đối phó làn sóng bạo loạn. Dù Nga khẳng định lực lượng này chỉ bảo vệ các cơ sở quan trọng của Kazakhstan, không tham gia hoạt động trấn áp bạo loạn, sự xuất hiện của lực lượng này đã nhanh chóng khiến tình hình đảo chiều.
Chỉ vài ngày trước, lực lượng an ninh Kazakhstan hứng chịu thương vong nặng nề trong các vụ bạo loạn và nguy cơ mất kiểm soát tình hình. Nhưng đến ngày 7/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tự tin thông báo rằng ông đã ra lệnh cho lực lượng an ninh "nổ súng tiêu diệt mà không cần báo trước" đối với "những toán côn đồ vũ trang, các phần tử khủng bố", đồng thời tuyên bố không đàm phán với phe biểu tình.
"Tokayev cần một lực lượng như vậy để thể hiện với các chỉ huy an ninh Kazakhstan rằng 'Thấy chưa, tôi có Moskva hỗ trợ, binh sĩ Nga sẽ kề vai sát cánh với các anh'", chuyên gia chính trị Nga Sergei Markov bình luận. "Đây là lần đầu tiên lực lượng Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) được triển khai tới một nước thành viên, và đó là thông điệp Tổng thống Vladimir Putin gửi tới Mỹ: Nga cũng có khả năng thực hiện các sứ mệnh quân sự không kém gì NATO".
Động thái này diễn ra vài ngày trước khi Nga tổ chức đàm phán với Mỹ và các đồng minh NATO để thảo luận về căng thẳng liên quan đến Ukraine, một trong những điểm nóng an ninh hiện nay trong quan hệ giữa Moskva và phương Tây.
Đợt điều quan cũng được đánh giá là thông điệp nhắc nhở rằng Nga quyết tâm bảo vệ những gì nước này coi là sân sau của mình, theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachyov.
Phương Tây cho rằng Nga đang chuẩn bị tiến đánh Ukraine khi điều khoảng 100.000 quân tới khu vực biên giới, tạo ra thách thức cơ bản với Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, Nga bác thông tin này và khẳng định họ có quyền điều quân tới mọi nơi trên lãnh thổ của mình để phòng thủ.
Các đơn vị tiền trạm của Nga xuất hiện ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Tokayev yêu cầu hỗ trợ. Họ giúp đảm bảo an ninh tại các địa điểm chiến lược quan trọng như sân bay quốc tế Almaty, vốn bị người biểu tình chiếm giữ trong thời gian ngắn trước khi lực lượng an ninh Kazakhstan giành lại quyền kiểm soát.
"Tất cả sự kiện này là bất ngờ, song rất đúng thời điểm, bởi chúng trước thềm cuộc đàm phán ngày 10/1 với Mỹ tại Geneva", Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, cơ quan tư vấn cho Điện Kremlin, nhận định.
"Nga đã đưa ra lời nhắc nhở về khả năng nhanh chóng đưa ra các quyết định phi tiêu chuẩn trong lĩnh vực quân sự - chính trị để tác động đến sự kiện ở những nơi quan trọng trên thế giới", Lukyanov nói.
Đợt triển khai lính gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan cũng là lần thứ hai Nga điều quân giúp đồng minh đối phó bạo động trong nhiều năm qua. Với sự giúp đỡ của Nga trong năm 2020, Belarus đẩy lùi và giải tán các cuộc biểu tình, đồng thời vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu khi đó.
Quân số được Nga điều tới Kazakhstan khiêm tốn hơn nhiều so với lực lượng tới bán đảo Crimea năm 2014 hoặc tham gia chiến tranh với Gruzia năm 2008. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng hiện cao hơn bất cứ thời điểm nào sau khi Liên Xô tan rã 30 năm trước. Điện Kremlin muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra xa hơn, bao gồm khu vực Balkan và Trung Đông.
"Nga đã tận dụng thời cơ và điều lực lượng tới một quốc gia mà họ coi là một phần an ninh chiến lược của mình", Tatyana Stanovaya, sáng lập viên tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, cho biết. "Dù Nga tuyên bố nhiệm vụ này có thời hạn, có khả năng họ sẽ ở lại đó lâu dài".
3.000 lính Nga tới Kazakhstan không đủ lớn để kéo sự chú ý của dư luận khỏi đợt điều động lực lượng với quân số lớn hơn nhiều gần biên giới Ukraine. Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Nga Vladimir Frolov nhận định động thái điều quân nhằm đảm bảo duy trì quan hệ đồng minh giữa Nga và Kazakhstan, bất kể ai lên nắm quyền tại quốc gia Trung Á này.
Stanovaya đánh giá đợt điều quân hỗ trợ Kazakhstan giúp Nga tăng lợi thế lên nhiều lần trước cuộc đàm phán với Mỹ. "Nga chứng minh họ có thể làm được nhiều hơn những gì có thể một năm trước", Stanovaya nói.
Nga đã đưa ra đề xuất an ninh 8 điểm với Mỹ và NATO nhằm tháo gỡ căng thẳng liên quan tới Ukraine, trong đó có yêu cầu NATO không mở rộng sang phía đông và kết nạp những thành viên mới như Ukraine hay Gruzia.
Các quan chức phương Tây cho rằng đề xuất Nga đưa ra là không có cơ sở, song đồng ý ngồi đàm phán vào tuần tới để xem liệu ngoại giao có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng hay không.
Nga được cho là ít có khuynh hướng thỏa hiệp trong cuộc đàm phán sắp tới. "Chúng tôi đã lùi bước suốt 30 năm qua", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, người sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán Nga tới Geneva vào tuần sau, cho biết. "Xin lỗi, giờ là lúc chúng tôi tiến lên".
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)