"Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 22/9 phát biểu khai mạc kỳ họp cấp cao nhân kỷ niệm 75 thành lập Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ. Sự kiện được tổ chức trực tuyến, lãnh đạo các nước gửi video bài phát biểu tới hội nghị, trong khi mỗi nước chỉ có 1-2 nhà ngoại giao tham dự trực tiếp và tuân thủ quy định giãn cách phòng Covid-19.
Ông nhắc lại cảnh báo từng đưa ra trước các lãnh đạo thế giới cách đây một năm về việc gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Thế giới của chúng ta không thể chấp nhận một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu bằng một Vết nứt Lớn, trong đó mỗi bên đề ra các quy tắc thương mại và tài chính riêng cũng như sở hữu năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo riêng rẽ", Guterres nói. "Sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành chia cắt địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi hòa bình và ngừng bắn toàn cầu giữa đại dịch Covid-19, nói rằng dịch bệnh không chỉ là "hồi chuông cảnh tỉnh" mà còn là một "cuộc diễn tập" cho những thử thách sắp tới.
"Covid-19 khiến thế giới phải đối mặt những yếu tố dễ tổn thương: bất bình đẳng gia tăng, thảm họa khí hậu, tăng chia rẽ xã hội và nạn tham nhũng tràn lan", ông nói. "Mọi người đang bị tổn thương, hành tinh của chúng ta đang bốc cháy".
Guterres cho biết Liên Hợp Quốc đang đối mặt với những thách thức giống như khi tổ chức này được thành lập cách đây 75 năm. "Những người xây dựng Liên Hợp Quốc 75 năm trước cũng từng trải qua một đại dịch, suy thoái toàn cầu, nạn diệt chủng và chiến tranh thế giới. Hôm nay, chúng ta đang đối mặt với thời khắc giống như năm 1945", ông nói.
Vài ngày sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới hồi tháng ba, Guterres đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để ứng phó dịch. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hôm 22/9 một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là Hội đồng Bảo an, nỗ lực để "biến điều này thành hiện thực vào cuối năm nay".
Mâu thuẫn giữa hai cường quốc được thấy rõ tại kỳ họp lần này, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày phát biểu trực tuyến lên án "virus Trung Quốc". Ông kêu gọi Liên Hợp Quốc buộc Bắc Kinh phải "chịu trách nhiệm" vì không ngăn được Covid-19, khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12/2019, khiến hơn 31,7 triệu người nhiễm, hơn 975.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 7 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong.
Đại sứ Trung Quốc Trương Quân tại Liên Hợp Quốc ngay sau đó bác bỏ mọi cáo buộc của Washington. "Tại thời điểm này, thế giới cần sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa, chứ không phải một cuộc đối đầu", ông Trương nói.
Mai Lâm (Theo Euronews)