"Tôi lo ngại các lệnh trừng phạt sẽ có tác động sâu rộng đến quyền tiếp cận thực phẩm và y tế ở một đất nước vốn thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu", Bachelet nói trong tuyên bố hôm qua.
Bachelet cho biết bà lo ngại "các doanh nghiệp và tổ chức tài chính sẽ trở nên thận trọng và chấm dứt hoàn toàn mọi giao dịch liên quan đến chính phủ Venezuela do sợ vướng phải các hình phạt do vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ".
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng "cùng nhau xây dựng một giải pháp chính trị", đặt lợi ích của công dân Venezuela lên trên hết.
Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza ngày 6/8 tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nước này không thể nhập khẩu thực phẩm cho Ủy ban Sản xuất và Cung ứng Địa phương (CLAP), cơ quan chịu trách nhiệm phân phối thực phẩm của chính phủ Venezuela. Theo nghiên cứu về điều kiện sống ở Venezuela, hơn 7 triệu người nước này sống dựa vào thực phẩm do CLAP cung cấp.
Tháng trước, Arreaza cũng cáo buộc Mỹ vi phạm quyền cơ bản của con người khi đưa ra các lệnh trừng phạt xâm phạm quyền được tiếp cận thực phẩm của người dân Venezuela. Tuyên bố của Arreaza được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào 10 cá nhân và 13 thực thể được cho là có liên quan đến hoạt động của CLAP.
Dưới áp lực của các lệnh trừng phạt Mỹ, kinh tế Venezuela lao dốc, lạm phát tăng nhanh, thiếu thực phẩm, thuốc men cũng như nguồn điện năng cần thiết. Tổng thống Maduro được cho là đã bán hàng chục tấn vàng trong tháng 4 và tháng 5 để nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh Venezuela bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt.
Ngọc Ánh (Theo CNN)