Indonesia, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hôm 25/8 khẳng định không thể hành động theo yêu cầu của Mỹ, gia hạn các lệnh trừng phạt Iran, do không có sự đồng thuận của 15 thành viên cơ quan này.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy giải thích khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong một bài đăng trên Twitter: "Nghĩa là không có nối lại trừng phạt".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/8 gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó cáo buộc Iran "không tuân thủ một cách đáng kể" những điều khoản của JCPOA, đánh dấu khởi đầu cho cơ chế tự động nối lại trừng phạt (snapback) trong Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký với các cường quốc năm 2015.
Pompeo tuyên bố nếu Hội đồng Bảo an không phê chuẩn nghị quyết kéo dài biện pháp cấm vận Tehran trong 30 ngày tới, toàn bộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trước JCPOA sẽ được tái áp đặt.
13 nước Hội đồng Bảo an trước đó phản đối và lập luận rằng Mỹ không có quyền hợp pháp để kích hoạt cơ chế "snapback" trong JCPOA. Song Mỹ khẳng định họ vẫn có các quyền lợi của một bên tham gia theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, vốn cho phép các thành viên tham gia kích hoạt cơ chế này nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzi cho biết ông hy vọng Mỹ giờ đây sẽ từ bỏ nỗ lực nối lại các lệnh trừng phạt Iran. "Điều này không chỉ bất hợp pháp mà còn không đạt được kết quả như Mỹ đã dự tính", ông Nebenzi nói.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 14/8 bác dự thảo do Mỹ đề xuất nhằm gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran vốn hết hiệu lực vào tháng 10. Điều khoản quy định thời hạn ngừng cấm vận vũ khí với Iran được Hội đồng Bảo an đưa ra trong Nghị quyết 2231, như một phần của JCPOA.
JCPOA được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 sau 15 năm đàm phán ngoại giao. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì "không hiệu quả", đồng thời thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran bằng cách áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với nước này, bất chấp sự phản đối của các nước còn lại trong thỏa thuận.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, Iran liên tục phá vỡ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả. Căng thẳng hai nước thêm trầm trọng sau khi Washington không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani hôm 3/1, khiến Tehran trả đũa bằng đòn tập kích tên lửa nhằm vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq.
Mai Lâm (Theo Guardian)