Tham gia họp báo công bố giải VnExpress Marathon Hanoi Midnight 2023 Ioniq5 Cup, sáng 22/11, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã có những chia sẻ về sự phát triển của phong trào trong nước và định hướng của Liên đoàn trong việc đưa marathon Việt Nam vào khuôn khổ, vươn tầm quốc tế.
- Ông đánh giá thế nào khi chứng kiến phong trào marathon bùng nổ thời gian gần đây?
- Các giải chạy bộ phát triển là tín hiệu đáng mừng. Tôi cảm thấy vui khi chứng kiến phong trào phát triển. Tôi đã tham gia tổ chức các giải marathon từ năm 1993, tức đã 30 năm. Trước đây, mỗi giải chỉ có vài chục VĐV chuyên nghiệp dự thi. Từ năm 2016, phong trào chạy trong cộng đồng nở rộ, Tiền Phong Marathon có đặt vấn đề với Liên đoàn là cho phép runner phong trào tham gia, cùng chạy với VĐV đỉnh cao. Liên đoàn đồng ý. Mùa giải đầu tiên có chưa đến 50 VĐV cả chuyên nghiệp lẫn phong trào. Nhưng đó là cột mốc để những giải marathon sau này thu hút VĐV theo cấp số nhân.
Đến hiện tại, số lượng giải chạy có 10.000 người là rất nhiều. Một số giải thậm chí phải kiểm soát, hạn chế VĐV do cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng. Hầu như tỉnh nào cũng có giải. Mỗi giải chạy là cơ hội để các địa phương quảng bá hình ảnh và những sản phẩm đặc trưng của địa phương, không chỉ cho du khách trong nước mà còn quốc tế.
Trong số này, tôi thấy VnExpress Marathon là giải làm rất tốt, có uy tín. Mỗi giải được tổ chức ở các địa phương du lịch luôn giới thiệu được những nét đặc trưng nhất, thu hút đến 10.000 VĐV hoặc hơn.
- Ở thời điểm đó, khi cho người chơi phong trào chạy cùng VĐV chuyên nghiệp, ông có những lo lắng và kỳ vọng gì?
- Thời điểm đó, chúng tôi có một số e ngại nhất định. Đầu tiên là trình độ giữa hai hệ này khá lớn. Các giải marathon cũng quy định thời gian thi đấu, thường trong khoảng 4 - 5 tiếng đổ lại. Khi mở rộng, thời gian có thể sẽ kéo dài. Chúng tôi e ngại điều này ảnh hưởng VĐV chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy người chơi phong trào có ý thức rất tốt, không làm ảnh hưởng đến cạnh tranh. Hơn nữa, trình độ hiện nay bắt đầu có sự thu hẹp do nhiều người tập luyện bài bản. Nhiều VĐV phong trào chạy rất tốt thậm chí không cách biệt quá xa với VĐV tuyển.
Nếu có nhiều VĐV cùng chạy, việc tuyển chọn những tài năng mới sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, ngành thể thao luôn muốn phát triển sức khỏe toàn dân. Thông qua các sự kiện, nhận thức người dân sẽ thay đổi. Trước đây, nhiều người nghĩ chạy rất mệt, rất vất vả. Sau này họ nhận ra chạy rất khỏe, lại muốn rủ thêm gia đình, con cái, cha mẹ cùng tham gia. Khi phong trào cộng đồng bùng nổ rộng rãi, marathon đỉnh cao cũng có cơ hội bứt phá hơn.
- Liên đoàn làm thế nào để đảm bảo chất lượng khi marathon đang bùng nổ như hiện nay?
- Hiện nay, các giải chạy marathon đang trăm hoa đua nở. Hầu như ở tỉnh thành nào cũng làm giải chạy. Nhưng có nhiều giải chưa đảm bảo được tiêu chí, tiêu chuẩn về cung đường, an toàn, an ninh đường chạy, y tế... Theo chúng tôi, để phong trào tốt thì các giải chạy cần làm tốt công tác tổ chức. Vì thế, Liên đoàn đang xây dựng những tiêu chí, tiêu chuẩn để các nhà tổ chức bám theo. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có bộ tiêu chí nhằm đưa marathon vào định hướng chung.
Dựa trên bộ tiêu chí này, chúng tôi có cơ sở để đánh giá, phân cấp các giải đấu hiện nay theo hạng vàng, bạc, đồng. Cuối năm, chúng ta có thể có những Gala để vinh danh những giải đấu tốt nhất, trao thưởng cho những VĐV hay nhất hay CLB có phong trào mạnh, phát triển nhất.
Ngoài ra, chúng ta thấy số lượng người tập hiện nay rất đông. Đi trên đường dễ dàng thấy mọi người cùng nhau chạy bộ. Tuy nhiên, chạy thế nào cho đúng, tránh chấn thương, an toàn, phù hợp với thể trạng thì không phải ai cũng biết. Trách nhiệm của chúng tôi là xây dựng các giáo án, bài tập cho toàn dân.
- Bộ tiêu chí cho các giải chạy cụ thể ra sao, thưa ông?
- Bộ tiêu chí sẽ học hỏi theo các giải quốc tế nhưng sẽ được điều chỉnh theo đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi sẽ có những tiêu chí về an ninh, an toàn, sức khỏe, giải thưởng, truyền thông... Ví dụ trong thiết kế đường chạy, sai số cho phép sẽ là một phần nghìn, mỗi kilomet chỉ được sai số một mét.
Đó chỉ là ví dụ, còn cụ thể chúng tôi sẽ thông báo khi hoàn thiện. Sau khi xây dựng xong, Liên đoàn sẽ hướng dẫn các nhà tổ chức cách thực hiện để đảm bảo các tiêu chí. Một khi các giải đã đáp ứng yêu cầu, được liên đoàn giám sát, VĐV sẽ được liên đoàn ghi nhận kỷ lục chính thức.
- Ngoài bộ tiêu chí, mục tiêu xa hơn của Liên đoàn ra sao?
- Hiện nay chúng tôi làm việc với Liên đoàn điền kinh châu Á, đề xuất liên kết một số giải chạy nổi trội tại Việt Nam với các giải lớn tại Đông Nam Á để tạo ra một chuỗi giải major của khu vực.
Hiện nay, Thái có nhiều giải đạt quy mô 50.000 VĐV, Singapore cũng có giải lớn. Nếu có thể liên kết để tạo chuỗi major, các quốc gia sẽ thay phiên nhau tổ chức một giải. Ngoài ra, thành viên cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển.
Theo chúng tôi, đây là cách thu hút khách du lịch giữa các quốc gia với nhau, tạo lợi ích cho kinh tế, du lịch, thể thao. Điều này nôm na cũng giống việc VnExpress Marathon lần lượt tổ chức ở các địa phương du lịch nổi tiếng như Huế, Quy Nhơn, Hạ Long, Nha Trang...
Tuy nhiên, để điều này xảy ra, bài toán khó nhất là giao thông. Để đáp ứng các tiêu chí quốc tế đòi hỏi cấm đường toàn bộ. Vấn đề này hiện nay khó ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, TP HCM.
Dẫu vậy, Liên đoàn châu Á chia sẻ rằng trước đây để tổ chức giải ở Bắc Kinh hay Tokyo cũng rất khó. Nhưng dần dần, phong trào phát triển, quan điểm về chạy bộ của người dân thay đổi và họ rất ủng hộ; chính quyền cũng cởi mở và hỗ trợ các nhà tổ chức. Trước mắt, tôi nghĩ các giải cần làm tốt khâu tổ chức để cộng đồng đón nhận nhiều hơn.
- Bức tranh marathon Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao, thưa ông?
- Marathon vẫn đang tiếp tục phát triển. Chúng ta cần lộ trình, tiêu chí để có những giải đấu được xếp hạng ở châu Á. Giống việc xếp hạng vàng, bạc, đồng cho các giải mà tôi đã đề cập. Khi Việt Nam có những giải đẳng cấp châu lục, chúng ta có thể đặt vấn đề với Liên đoàn châu Á hay thế giới để mang những giải danh giá về tổ chức tại Việt Nam. Theo tôi, trong tương lai, Việt Nam có thừa tiềm năng để trở thành điểm đến của các sự kiện marathon tầm cỡ quốc tế.
Hoài Phương