Lệnh đóng băng visa lao động của Trump gây tranh cãi
Trump coi lệnh ngừng cấp visa lao động là nhằm bảo vệ việc làm Mỹ, nhưng các tập đoàn cho đó là đòn giáng vào khả năng thu hút nhân tài.
Tổng thống Donald Trump ngày 22/6 ký gia hạn sắc lệnh ngừng cấp thẻ xanh ngoài lãnh thổ Mỹ tới ngày 31/12/2020 và có thể tiếp tục thực thi sau đó nếu cần thiết, đồng thời đóng băng nhiều thị thực lao động. Quyết định của Trump có hiệu lực ngay lập tức.
Theo sắc lệnh, các thị thực lao động tạm thời bị đóng băng bao gồm visa H-1B, loại thường được cấp cho lao động tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ và gia đình họ, visa H-2B cho lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo mùa vụ, visa J-1 cho lĩnh vực trao đổi văn hóa và visa L-1 cho quản lý và nhân sự then chốt trong các tập đoàn đa quốc gia.
Sắc lệnh cũng hạn chế khả năng các công ty Mỹ có chi nhánh ở nước ngoài và ngược lại đưa nhân viên tới Mỹ trong vài tháng hoặc vài năm tới. Đồng thời, lao động nước ngoài làm việc tại Mỹ cũng không được phép đưa vợ/chồng tới nước này.
Giới chức Mỹ cho hay quyết định đóng băng thị thực và hạn chế cấp thẻ xanh mới sẽ khiến 525.000 lao động nước ngoài không có cơ hội đến Mỹ ít nhất tới hết năm nay, tương đương với từng đó việc làm được dành cho người Mỹ.
Stephen Miller, trợ lý Nhà Trắng và người hoạch định chính sách nhập cư của Trump, nhiều năm qua đã thúc đẩy việc hạn chế hoặc xóa bỏ thị thực lao động, khi cho rằng chúng gây tổn hại tới triển vọng việc làm của người Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bị suy thoái vì Covid-19, Miller càng cho rằng đã đến lúc Mỹ cần hạn chế lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối quy định mới, khi lập luận rằng nó khiến họ không thể tuyển dụng các lao động nước ngoài cho nhiều công việc mà người Mỹ không muốn hoặc không thể làm.
"Đây là đòn tấn công trực diện vào khả năng đổi mới của Mỹ và cơ hội hưởng lợi nhờ thu hút nhân tài toàn cầu", Todd Schulte, chủ tịch FWD.us, nhóm ủng hộ nhập cư được nhiều công ty công nghệ "chống lưng", cho hay.
"Việc không chào đón các kỹ sư, giám đốc, chuyên gia IT, bác sĩ, y tá hay nhiều lao động khác không giúp ích gì, mà ngược lại sẽ kéo Mỹ thụt lùi. Hạn chế nhập cư sẽ vô tình đẩy các hoạt động kinh tế và đầu tư ra nước ngoài, hãm đà tốc độ tăng trưởng và giảm việc làm mới", Thomas J. Donohue, giám đốc điều hành Văn phòng Thương mại Mỹ, nhận định.
Giới chức chính quyền Trump nói rằng sắc lệnh của Tổng thống sẽ không ảnh hưởng tới người sống ngoài Mỹ có thị thực hợp lệ hoặc lao động nông nghiệp theo mùa vụ. Ngoài ra, nhân viên y tế hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 cũng được miễn trừ áp quy định mới.
Trump khẳng định việc ngừng cấp thị thực lao động là cách đảm bảo việc làm cho người Mỹ. "Trong bối cảnh nền kinh tế bị thu hẹp do hậu quả của Covid-19, các chương trình thị thực không nhập cư chắc chắn đặt ra mối đe dọa bất thường với công ăn việc làm của lao động Mỹ", ông nói.
Nỗ lực hạn chế nhập cư vào Mỹ là một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump năm 2016 và chắc chắn đóng vai trò trọng tâm để thu hút cử tri trong cuộc đua năm nay. Không chỉ xây "bức tường to đẹp" để ngăn nhập cư trái phép qua biên giới phía nam, Trump cũng đang nỗ lực tìm cách giảm dòng người nhập cư hợp pháp.
Hồi tháng 4, Trump ký sắc lệnh ngừng cấp thẻ xanh trong 60 ngày với hầu hết người nước ngoài muốn sống ở Mỹ. Nhưng lúc đó, Miller và Tổng thống "né" cuộc đối đầu căng thẳng với cộng đồng doanh nghiệp bằng cách không áp lệnh hạn chế thị thực lao động. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của những người có quan điểm chống nhập cư, cho rằng Tổng thống "làm chưa đủ".
Bởi vậy, sắc lệnh ký hôm 22/6 ngoài việc gia hạn lệnh ngừng cấp thẻ xanh còn nhắm vào nhiều loại thị thực lao động, động thái được cho là nhằm làm hài lòng những người chống nhập cư ở Mỹ.
Nhóm ủng hộ hạn chế nhập cư đã hoan nghênh quy định mới. Cùng với các biện pháp gần đây, "ngừng cấp thị thực lao động sẽ tác động tích cực tới quy mô thị trường lao động theo hướng có lợi cho người Mỹ", Jessica Vaughan, giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, nói.
"Tôi thực sự phấn khích khi thấy Tổng thống ủng hộ dừng các chương trình thị thực trên", Vaughan, người cho biết thường xuyên được trợ lý Nhà Trắng tham vấn về vấn đề này, bày tỏ.
Trump cũng được cho là đang chỉ đạo chính quyền của ông thay đổi vô thời hạn một loạt quy định nhập cư nhằm ngăn người nước ngoài cạnh tranh việc làm không lành mạnh với người Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ tìm cách đảm bảo thị thực chất lượng cao được trao cho lao động được trả lương cao nhất, đồng thời ngăn việc tuyển dụng ồ ạt nhiều lao động trình độ trung bình trong lĩnh vực kế toán, lập trình và nhiều công việc khác mà người Mỹ có khả năng làm.
Ngoài ra, các thay đổi cũng nhằm ngăn người nhập cư nộp đơn xin tị nạn để được cấp giấy phép lao động tại Mỹ trong thời gian chờ duyệt hồ sơ.
Không rõ các thay đổi này sẽ có hiệu lực vào lúc nào. Tuy nhiên, chính quyền Trump có thể sẽ ban hành nhiều quy định khẩn cấp để đẩy nhanh việc thực thi các thay đổi, thay vì thông qua quy trình thông thường, có thể mất tới vài tháng hoặc thậm chí vài năm.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Trump có thể vấp rào cản pháp lý từ những người phản đối khi muốn đẩy nhanh quá trình này. Tuần trước, Tòa án Tối cao ngăn Trump hủy bỏ Chương trình hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA).
"Chính phủ có thể nỗ lực đẩy nhanh quá trình ra luật về lao động nước ngoài mà không cần tham vấn dư luận, nhưng thật khó để qua mặt tòa án", Lynden Melmed, luật sư về nhập cư và cựu trưởng ban pháp chế của Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ, cho hay.
Chính quyền Trump đã lấy Covid-19 làm cái cớ để ban hành một loạt chính sách thay đổi hệ thống nhập cư, bao gồm tị nạn và thẻ xanh, theo Michael D. Shear và Miriam Jordan, hai biên tập viên của NYTimes. Dù được thông báo là tạm thời, các thay đổi này có thể được duy trì vô thời hạn.
Giới phê bình đồng ý với quan điểm trên, nhưng thêm rằng mục tiêu cuối cùng của Trump là theo đuổi chương trình nghị sự về vấn đề nhập cư và tăng cơ hội đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai.
Trong khi Trump và các trợ lý nói rằng lệnh cấm mới chỉ là giải pháp đối phó với đại dịch, chính quyền của ông đã tìm cách cắt giảm nhiều chương trình nhập cư hợp pháp trong nhiều năm qua, ngay cả khi Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2017, Trump từng tán thành dự luật RAISE nhằm cắt giảm 50% hạn mức nhập cư hợp pháp ở Mỹ.
Nhiều tuần trước khi Trump công bố quy định mới, liên minh các doanh nghiệp và trường đại học đã cố gắng gửi thư và gọi điện tới Nhà Trắng để thu hẹp phạm vi đối tượng bị ngừng cấp thị thực.
"Đây là đòn giáng lớn nhất vào thị thực lao động mà tôi từng thấy trong suốt 35 năm làm việc", Steve Yale-Loehr, giáo sư luật tại Đại học Cornell, nói. "Hàng nghìn doanh nghiệp và đại học sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế mới. Đồng thời, nền kinh tế khó phục hồi tốt khi nhiều lao động không thể tới Mỹ".
Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã không thành công trước quyết tâm của Trump. "Chính quyền Trump từng tuyên bố rằng họ muốn tạo ra hệ thống nhập cư ưu tiên người có trình độ và tay nghề giỏi. Nhưng với việc ngừng chương trình visa H-1B, họ một lần nữa cho thấy mong muốn của họ chỉ là nước Mỹ có ít người nhập cư hơn", Alex Nowrasteh, giám đốc về nghiên cứu nhập cư tại Viện Cato, cho hay.