Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên website của Nhà Trắng ngày 22/6 quy định gia hạn lệnh cấm cấp thẻ xanh bên ngoài lãnh thổ Mỹ tới ngày 31/12/2020 và có thể tiếp tục được thực thi nếu cần thiết, đồng thời đóng băng thêm nhiều thị thực lao động tạm thời. Tuyên bố này của Trump có hiệu lực ngay lập tức.
Các thị thực lao động tạm thời bị đóng băng bao gồm visa H-1B, loại thường được cấp cho lao động ngành công nghệ và gia đình họ, visa H-2B cho lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo mùa vụ, visa J-1 cho lĩnh vực trao đổi văn hóa và visa L-1 cho quản lý và nhân sự then chốt trong các tập đoàn đa quốc gia.
Chính quyền Trump tuyên bố động thái này là nỗ lực bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Một quan chức cấp cao giấu tên cho hay ước tính lệnh cấm sẽ tạo ra 525.000 việc làm cho người Mỹ.
Sẽ có ngoại lệ với lao động trong ngành chế biến thực phẩm, chiếm khoảng 15% những người được cấp visa H-2B, quan chức giấu tên này nói. Nhân viên y tế hỗ trợ cuộc chiến chống nCoV vẫn tiếp tục được miễn trừ lệnh đóng băng thẻ xanh, dù quyền miễn trừ bị thu hẹp hơn.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Google và Twitter đã nhanh chóng lên tiếng phản đối lệnh hạn chế nhập cư mới. Amazon gọi động thái này là "thiển cận", cho rằng việc ngăn cản những người có chuyên môn, kỹ năng cao đến và cống hiến cho sự hồi phục của kinh tế Mỹ "gây rủi ro cho sức cạnh tranh toàn cầu của Mỹ".
"Nhập cư đóng góp lớn cho thành công của kinh tế Mỹ, khiến nó đứng đầu thế giới về công nghệ, cũng như khiến Google có ngày hôm nay", Sundar Pichai, người đứng đầu tập đoàn Google, nói. "Thất vọng vì tuyên bố đưa ra hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người nhập cư và nỗ lực để mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người".
Jessica Herrera-Flanigan, phó chủ tịch Twitter về chính sách công và từ thiện, cho rằng lệnh cấm "làm suy yếu tài sản kinh tế lớn nhất của Mỹ, đó là sự đa dạng. Người dân khắp thế giới đến để gia nhập lực lượng lao động Mỹ, đóng thuế, đóng góp cho khả năng cạnh tranh toàn cầu của chúng ta trên trường quốc tế".
Quyết định của Trump có thể dẫn tới việc tái cơ cấu toàn diện quá trình xin nhập cư hợp pháp nếu được kéo dài vô thời hạn. Đây là mục tiêu mà chính quyền Trump theo đuổi trước đại dịch. Những thay đổi dài hạn nhằm vào người xin tị nạn và lao động công nghệ cao cũng đang được xem xét.
Các tập đoàn kinh tế đã cố hết sức để hạn chế những thay đổi này, nhưng không đạt hiệu quả mong muốn. Trump đang cố giành sự ủng hộ của những người theo đuổi chính sách nhập cư cứng rắn trước thềm bầu cử tổng thống tháng 11.
Thông báo của Trump kéo dài lệnh ngừng cấp thẻ xanh được ông đưa ra hồi tháng 4 và hết hạn vào 22/6. Lệnh cấm chủ yếu nhằm vào thành viên các gia đình người được cấp visa lao động, đã hứng chịu phản ứng lạnh nhạt từ những người chủ trương cứng rắn với lao động nhập cư khi cho rằng sắc lệnh của Tổng thống chưa đủ. Việc nhắm vào thị thực không nhập cư trong lệnh hạn chế mới này của Trump dường như để xoa dịu những người này.
Mỹ cấp 85.000 thị thực H-1B mỗi năm cho người "có kiến thức chuyên môn cao" và điều kiện tối thiểu phải có bằng cử nhân, thường trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giảng dạy và kế toán. Các nhà phê bình cho rằng những công ty công nghệ cao đã sử dụng visa làm công cụ thuê mướn lao động nước ngoài nhằm thay thế người Mỹ.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)