Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/5 đạt thỏa thuận về lệnh cấm phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đặt mục tiêu cấm 90% dầu Nga trước năm 2023, sớm hướng đến chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga vào EU.
EU kỳ vọng lệnh cấm sẽ buộc các nhà sản xuất dầu Nga phải đóng giếng khoan, khi không có đủ hạ tầng tích trữ dầu trong thời gian tìm khách hàng mới. Tuy nhiên, Clifford Krauss, bình luận viên về năng lượng quốc gia của NY Times, cho rằng khả năng thành công của chiến thuật này vẫn rất mơ hồ.
Lệnh cấm dầu Nga sẽ buộc EU phải tìm mua dầu thay thế ở những nơi xa hơn. Họ còn phải cạnh tranh tìm mua nguồn dầu thô có tính chất tương tự dầu Nga, vì phần lớn hạ tầng lọc dầu của EU vốn được thiết kế cho nguồn cung mà họ đang từng bước từ bỏ.
Theo Krauss, với lệnh cấm dầu Nga, EU đang chấp nhận đánh đổi một nhà cung cấp "khó đoán" để tìm tới những nhà xuất khẩu nhiên liệu cũng thiếu ổn định không kém tại Trung Đông.
Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng giá dầu cao hơn nữa, trong bối cảnh giá nhiên liệu đã tăng liên tục suốt vài tháng qua. Nếu giá dầu tăng mạnh, doanh thu từ năng lượng của Nga sẽ không sụt giảm nghiêm trọng như EU kỳ vọng, ngay cả khi họ mất đi thị trường lớn nhất.
Các chuyên gia cảnh báo cuộc săn lùng nguồn cung dầu mới của châu Âu sẽ thay đổi trật tự năng lượng thế giới với mức độ khó lường.
"Nhiều hệ lụy địa chính trị sẽ diễn ra", Meghan L. O'Sullivan, giám đốc dự án địa chính trị năng lượng, Trường Kennedy thuộc Đại học Havard của Mỹ, nhận định. "Lệnh cấm dầu Nga sẽ kéo Mỹ tham gia sâu hơn vào kinh tế năng lượng toàn cầu, nhưng đồng thời củng cố quan hệ năng lượng giữa Moskva và Bắc Kinh".
Trung Quốc có thể tránh được phần nào gánh nặng giá nhiên liệu nhờ nguồn dầu giá rẻ từ Nga. Với sức hút của thị trường lớn nhất châu Á, xuất khẩu dầu bằng đường ống từ Nga tới Trung Quốc đã gần chạm ngưỡng tối đa công suất. Trung Quốc vài tháng qua đã mở rộng quy mô nhập khẩu dầu từ Nga bằng tàu hàng.
Chuyển biến này khiến mối liên kết năng lượng Trung Đông - Trung Quốc thay đổi. Arab Saudi cùng Iran đứng trước nguy cơ bị Nga thay thế trong danh sách đối tác nhiên liệu chủ lực của Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu dầu Trung Đông buộc phải lựa chọn giảm giá hay đánh mất thị trường về tay Nga. Cuộc cạnh tranh mới sẽ đẩy liên minh năng lượng Nga, Arab Saudi cùng các thành viên còn lại trong khối OPEC+ vào tương lai nhiều biến động, theo O'Sullivan.
Ấn Độ cũng đang hưởng lợi từ lệnh cấm dầu Nga của EU, theo Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC).
Nhờ chủ động bán dầu với giá ưu đãi, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ, vượt mặt Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ấn Độ hiện nhập khoảng 600.000 thùng dầu từ Nga mỗi ngày, tăng vọt so với mức 90.000 thùng/ngày vào năm ngoái.
Dầu Nga không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng cho Ấn Độ, mà còn tạo cơ hội để ngành lọc dầu nước này thu lời bằng cách bán thành phẩm ra thị trường, giải quyết cơn khát nhiên liệu toàn cầu, trong đó có châu Âu. Các nhà phân tích tại RBC nhận định Ấn Độ đang từng bước trở thành trạm lọc dầu cho châu Âu.
"Hậu quả không mong muốn là châu Âu trên thực tế vẫn mua dầu Nga, chỉ là dưới hình thức khác và giá cao hơn", RBC cảnh báo. "Trong trường hợp này, Ấn Độ là bên thắng".
Theo giới chuyên gia, những gã khổng lồ năng lượng khác cũng được hưởng lợi là Arab Saudi và UAE, cùng các tập đoàn dầu khí phương Tây như Exxon, Mobil, Shell và Chevron, trong khi người tiêu dùng và doanh nghiệp khắp thế giới phải gánh mức giá nhiên liệu tăng vọt.
Doanh thu xuất khẩu dầu của Arab Saudi được dự báo lập kỷ lục trong năm nay khi giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, đẩy thặng dư thương mại nước này vượt mốc 250 tỷ USD, theo tổ chức Ấn phẩm Xăng dầu và Kinh tế Trung Đông.
"Lệnh cấm dầu của EU là một quyết định lịch sử. Nó sẽ tái định hình không chỉ quan hệ thương mại, mà cả những quan hệ chính trị và địa chính trị sau này", Robert McNally, cố vấn năng lượng cho chính phủ Mỹ thời tổng thống George W. Bush, nhận định.
Thanh Danh (Theo NY Times)