"Thống nhất cấm nhập khẩu dầu Nga vào Liên minh châu Âu (EU). Điều này sẽ lập tức có hiệu lực với hai phần ba lượng nhập khẩu dầu từ Nga, cắt đứt nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của họ. Gây áp lực tối đa lên Nga để kết thúc xung đột", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel viết trên Twitter đêm 30/5 sau cuộc họp thượng đỉnh của EC tại Brussels, Bỉ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo các lãnh đạo EU đã "thống nhất về nguyên tắc" với lệnh cấm dầu từ Nga. "EC giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", bà nói.
EU đã thảo luận nhiều tuần qua về lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga, nhưng vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nói rằng việc cắt nguồn cung sẽ tàn phá nền kinh tế nước này. Quyết định cấm 2/3 dầu Nga được đưa ra sau khi các lãnh đạo của khối đạt thỏa hiệp với Hungary, loại dầu được vận chuyển bằng đường ống khỏi lệnh cấm.
EU cũng nhất trí loại ngân hàng Sberbank lớn nhất Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT và áp lệnh cấm thêm ba hãng phát thanh truyền hình nhà nước của Moskva.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin.
Tại hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đưa ra định hướng chính trị then chốt cho các vấn đề quan trọng nhất mà khối đang đối mặt, trong đó có lệnh trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga.
Châu Âu muốn ngăn các khoản tiền Moskva có thể thu về từ dầu khí, vốn là nguồn xuất khẩu lớn nhất và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, trong bối cảnh nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Florian Thaler, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu năng lượng OilX, ước tính doanh thu bán dầu của Nga sang châu Âu đạt 310 triệu USD mỗi ngày.
Quyết định cấm dầu là một phần trong nỗ lực chấm dứt khả năng Nga sử dụng năng lượng như công cụ gây áp lực với châu Âu. Tuy nhiên, đây được coi là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và gây chia rẽ với EU. Khoảng 25% nguồn dầu thô của châu Âu được nhập từ Nga, nhưng có khác biệt về mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia. Những nước châu Âu càng gần Nga càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới này.
Anh, quốc gia không thuộc EU và khai thác được dầu từ Biển Bắc, tuyên bố sẽ từ bỏ dần năng lượng Nga. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp cũng nhập khẩu tương đối ít dầu từ Moskva. Một số quốc gia khác, trong đó có Hungary, Slovakia, Phần Lan và Bulgaria, nhập khẩu hơn 75% nguồn dầu từ Nga và có thể gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn cung thay thế.
Vũ Anh (Theo Reuters)