Quyết định thành lập tổ công tác dự án đầu tư xây dựng 2 tuyến Vành đai 3 và 4 TP HCM được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi ký chiều 20/1. Động thái này được đưa ra sau chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này.
Theo đó, tổ công tác sẽ rà soát phạm vi, quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ, môi trường, tổng mức đầu tư dự án cũng như phân chia dự án thành phần trong tổng thể 2 tuyến vành đai. Tổ cũng nghiên cứu, đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương cùng các cơ chế, chính sách khả thi để thực hiện dự án. Ngoài ra, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ công tác cũng tham gia chỉ đạo giải quyết...
Trước đó với dự án Vành đai 3, TP HCM được giao là cơ quan chủ trì chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Thành phố hiện đã thành lập hội đồng thẩm định nội bộ để rà soát, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nhằm đẩy nhanh tiến độ kịp trình Quốc hội vào tháng 3 năm nay.
Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường này được nghiên cứu khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h cùng đường song hành hai bên.
Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài gần 80 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Việc giải phóng mặt bằng được tính toán triển khai theo quy mô hoàn chỉnh từ giai đoạn một, đồng thời làm trước 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này trước đó được nghiên cứu hơn 83.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng gần 47.000 tỷ đồng, còn lại là phần xây dựng, dự phòng, tư vấn...
Hồi cuối năm ngoái, làm việc với bộ ngành và các địa phương liên quan công tác chuẩn bị đầu tư Vành đai 3, 4 TP HCM, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá tổng mức đầu tư Vành đai 3 nghiên cứu như trên quá cao. Do vậy, ông yêu cầu rà soát lại, bao gồm cả chi phí xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bên liên quan nghiên cứu, lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp...
Với dự án Vành đai 4, tuyến đường được quy hoạch dài gần 200 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, trên tuyến có một số đoạn ngắn đã được địa phương đầu tư nhưng không liên tục.
Gia Minh