Lễ khai trương tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung diễn ra tại thủ đô Vientiane trong ngày 3/12, đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt theo hướng hiện đại hóa của quốc gia Đông Nam Á. Trước đó một ngày, các nhà sư tới tụng kinh và vẩy nước ban phước lành cho các đoàn tàu đỗ tại ga Vientiane.
Tuyến đường sắt với chiều dài hơn 1.000 km nối thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào. Đoạn chạy trên đất Lào dài 414, nối Vientiane với thị trấn biên giới Boten.
Hãng thông tấn Lào KPL ngày 2/12 đưa tin dự án là một phần trong chiến lược của chính phủ nhằm đưa Lào "từ một quốc gia nội lục thành một trung tâm kết nối trên bộ".
Chuyên gia kinh tế Burin Adulwattana của Ngân hàng Bangkok nhận định tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong lĩnh vực kinh tế, cho rằng dự án sẽ mang lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Vientiane, dù một số người lo ngại nó có thể làm tăng nợ nước ngoài của Lào.
Nokphone Photsavang, làm việc trong lĩnh vực khách sạn của Lào, nhận định tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại lợi ích cho người dân nước này.
"Tôi tin rằng tuyến đường sẽ mang lại nhiều cơ hội và kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế", Nokphone nói. "Tuyến đường cũng giảm bớt khó khăn trong di chuyển giữa các thị trấn và sẽ mang các gia đình đến gần nhau hơn".
Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung trị giá khoảng 6 tỷ USD được khởi công từ năm 2016, chủ yếu do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công với 75 đường hầm, 167 cây cầu và 10 ga. Các đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) chạy trên tuyến có thể chở tới 720 người và đạt tốc độ 160 km/h.
Dự án hoàn thành sau 5 năm thi công. Trung Quốc nắm 70% cổ phần trong công ty liên doanh đường sắt với Lào vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao.
Tuyến đường sắt này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với tham vọng kết nối Côn Minh tới Bangkok và cảng Laem Chabang của Thái Lan, sau đó nối với Singapore trên tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 km.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP)