Lào và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về tuyến đường sắt cao tốc nối giữa hai nước từ năm 2001, 8 năm sau xác nhận kế hoạch tiến hành dự án. Tuy nhiên, do bê bối tham nhũng gây chấn động của cựu bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân, đến tháng 9/2015, dự án mới được trao cho Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công và năm 2016 mới khởi công.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung được thiết kế dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đến thủ đô Vientiane. Tại Boten, nó sẽ kết nối với tuyến đường sắt dài 595 km tới thành phố Côn Minh ở Vân Nam. Còn ở Vientiane, đoàn tàu được kỳ vọng sẽ kết nối với một phần tuyến đường sắt Thái Lan, đi thẳng tới thủ đô Bangkok qua tỉnh Nakhon Ratchasima.
6 nhà thầu từ các công ty thuộc CNRG chịu trách nhiệm tiến hành dự án. Sau khoảng thời gian dài bị đình trệ do vụ án Lưu Chí Quân khiến Bộ Đường sắt Trung Quốc bị giải thể năm 2013, dự án được triển khai nhanh chóng và tăng tốc từ giữa năm 2017.
Nguyên nhân dường như bởi Lào trao cho các công ty Trung Quốc nhiều quyền tự do cao hơn trong tiến trình xây dựng so với một số nước Đông Nam Á khác. Các nghiên cứu về khả năng thi công, tiêu chuẩn kỹ thuật và loại thiết bị đều phụ thuộc vào phía Trung Quốc.
Hồi đầu năm 2019, các bên chịu trách nhiệm thi công báo cáo đã thực hiện xong một nửa dự án và đang đúng tiến độ dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới và tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực từ đầu năm 2020 khiến dự án cũng chịu ảnh hưởng.
Bất chấp nhiều khó khăn do hệ quả của những biện pháp phòng dịch, các kỹ sư Lào và Trung Quốc vẫn nỗ lực bám sát kế hoạch.
"Chúng tôi sẽ hoàn thành xây dựng và đưa tuyến đường sắt vào trạng thái sẵn sàng hoạt động đầy đủ vào ngày 2/12", Xiao Qianwen, lãnh đạo Công ty Đường sắt Lào - Trung, liên doanh phụ trách xây dựng và vận hành dự án có trụ sở tại Vientiane, cho biết hôm 25/6.
"Chúng tôi sẽ không thay đổi lịch trình và đang phấn đấu vì mục tiêu đó. Hơn 90% công việc kỹ thuật đã được hoàn thành. Chúng tôi cũng đang thực hiện công việc chuẩn bị vận hành", Xiao nói thêm.
Vào thời điểm cuối tháng 6, Công ty Đường sắt Số 5 Trung Quốc (CREC-5) đã hoàn thành xây dựng cấu trúc chính của cây cầu dài nhất dọc tuyến đường sắt Lào - Trung. Công trình có tên Phonethong được xây dựng tại Vientiane với chiều dài hơn 7,5 km, bao gồm 231 trụ cầu.
Ở đầu phía bắc của tuyến đường, Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCEG) cũng cất nóc nhà ga tại thị trấn Boten, cửa ngõ giữa hai nước. Trong khi đó, toàn bộ 67 trạm liên lạc dọc tuyến đường sắt Lào - Trung được hoàn thành từ ngày 15/5.
Lei Chao, quản lý dự án tại Công ty Đường sắt Số 2 Trung Quốc (CREC-2), hồi cuối tháng 6 cho biết họ "sẽ lắp đặt xong tất cả đường ray vào giữa tháng 8", nói thêm rằng đội ngũ nhân sự từ CREC-2 thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt để không ai nhiễm virus, giúp việc thi công dự án không bị gián đoạn. Công ty này bắt đầu lắp đặt đường ray từ ngày 27/3/2020.
Tuyến đường sắt Lào - Trung được thi công nhanh đến mức trở thành dự án tiêu biểu thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Truyền thông nước này còn nêu những lợi ích dự án mang lại cho người dân địa phương, như một bài báo của Xinhua cho biết hơn 5.000 nhân công bản địa đã được tuyển vào dự án.
Tuy nhiên, các bài báo cũng thừa nhận nhiều thách thức lớn trong quá trình xây dựng, đầu tiên là địa hình. Các công ty Trung Quốc phải xây dựng tổng cộng 170 cây cầu và 72 đường hầm xuyên suốt địa hình nhiều đồi núi của Lào. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi còn số lượng lớn bom mìn sót lại từ chiến tranh.
Các yếu tố địa lý phức tạp và điều kiện giao thông kém cũng là trở ngại lớn. Đặc biệt vào mùa mưa, máy móc hạng nặng không thể đưa được vào khu vực thi công. Đôi khi các công nhân thậm chí phải vác số lượng lớn vật tư và thiết bị cần thiết đến địa điểm xây dựng.
Bên cạnh đó, dự án khiến một bộ phận người dân Lào cảm thấy bất bình, vì cho rằng chính sách đền bù di dời của chính quyền chưa thỏa đáng. Ban đầu, giới chức chỉ tính đến giá trị của công trình xây dựng bị di dời, nhưng cuối cùng quyết định bồi thường toàn bộ tài sản, bao gồm đất đai, công trình, hoa màu và cây cối.
Những tranh cãi về quy định bồi thường này khiến dự án bị chậm trễ và làm đội chi phí. Tháng 9/2015, tờ China Daily dẫn thông tin từ tạp chí Global Construction Review cho biết Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc đã ký hợp đồng 1,2 tỷ USD để các công ty thành viên xây dựng các phân đoạn 1, 2, 3 của dự án, gồm 258 km cầu và hầm chui cùng 31 nhà ga dọc tuyến đường sắt dài 414 km. Sau khi hoàn thành, dự án có giá trị 6 tỷ USD, tương đương khoảng 1/3 GDP của Lào.
Tuy nhiên, bất chấp các vấn đề xoay quanh dự án, giới chức Lào vẫn nỗ lực vận động sự ủng hộ và thuyết phục rằng tuyến đường sắt sẽ giúp người dân thoát nghèo. Theo họ, mục tiêu cuối cùng của dự án là biến Lào từ quốc gia không giáp biển thành trung tâm kết nối với các nước khác thông qua đường bộ.
"Đường sắt Lào - Trung sẽ đặt nền tảng mới giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Lào chắc chắn sẽ tận dụng lợi thế để tham gia vào chuỗi công nghiệp toàn cầu và khu vực. Nói cách khác, dự án sẽ không chỉ thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân, mà còn mang lại lợi ích cho các quốc gia được kết nối", Valy Vetsaphong, cố vấn của Thủ tướng Lào, cho biết, đồng thời bày tỏ tin tưởng công trình sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch.
Hôm 16/10, đoàn tàu tốc độ cao đầu tiên trên tuyến đường sắt Lào - Trung được chuyển tới Vientiane và bàn giao cho đơn vị vận hành. Đây là dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường đầu tiên được hoàn thành tại Đông Nam Á, cũng là tuyến đường sắt được Trung Quốc thi công nhanh nhất trong khu vực.
Somphone Inleuangsy, 24 tuổi, là một trong hơn 600 thanh niên Lào được đào tạo để vận hành tuyến đường sắt. "Đại dịch Covid-19 đã đem đến quá nhiều khó khăn cho người Lào. Vì vậy, tôi đặc biệt mong đợi tuyến đường sắt được vận hành trong năm nay. Người dân Lào từ lâu đã mơ ước điều này", cô cho biết.
"Người Trung Quốc có câu 'Muốn làm giàu, trước hết hãy xây đường sá'. Tôi hy vọng với đường sắt Lào - Trung, Lào sẽ sớm trở nên thịnh vượng, trở thành trung tâm giao thông vận tải ở Đông Nam Á, thúc đẩy sự phát triển trong khu vực", cô nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo Xinhua, East Asia Forum)