Đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) sơn màu trắng, đỏ, xanh này do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, có thể chạy với vận tốc tối đa 160 km/h. Đoàn tàu được chuyển giao cho Công ty liên doanh Đường sắt Lào - Trung, chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý tuyến đường sắt tốc độ cao nối giữa hai nước.
Đoàn tàu khởi hành từ thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tới thủ đô Vientiane dưới sự giám sát của Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG).
Sau lễ bàn giao hôm qua tại Vientiane, đoàn tàu sẽ được chạy thử trước ngày khai trương tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc dài 1.000 km, dự kiến diễn ra vào ngày Quốc khánh Lào 2/12.
Các đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung được đặt tên là Lane Xang (Triệu Voi), lấy theo tên cổ của Lào. Màu sơn trên các toa tàu tượng trưng cho quốc kỳ Lào, nội thất bên trong cũng mang biểu tượng hoa đại, quốc hoa của Lào.
Mỗi đoàn tàu có thể chở tới 720 người, các toa có quầy bán đồ ăn nhanh và nước giải khát, cùng tiện nghi dành cho người khuyết tật và dịch vụ thông tin với tiếng Trung, tiếng Lào và tiếng Anh.
EMU là loại tàu điện gồm nhiều toa có thể tự hành và dùng điện làm năng lượng chuyển động. Tàu EMU không cần đầu máy để kéo cả đoàn tàu, có ưu điểm tăng tốc nhanh, ít tiếng ồn và gần như không gây ô nhiễm. Toa lái của tàu EMU thường được bố trí ở hai đầu để đễ dàng đổi chiều tàu chạy.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới Vientiane được khởi công từ năm 2016, với hợp đồng ban đầu trị giá 1,2 tỷ USD được trao cho CNRG.
Tờ China Daily hồi tháng 8/2017 cho biết dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm với khoản đầu tư khoảng 37,4 tỷ tệ (5,56 tỷ USD). Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, China Daily đưa tin dự án có giá trị 40 tỷ tệ (6 tỷ USD), trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc đóng góp 70%, số còn lại đến từ các nhà đầu tư Lào.
Website của Công ty Đường sắt Lào - Trung cho biết trong khoản đầu tư đầu tiên trị giá 2,38 tỷ USD, Lào đóng góp 715 triệu USD, khoản 1,67 tỷ USD còn lại tới từ Trung Quốc. Lào sẽ trích 250 triệu USD từ ngân sách nhà nước (50 triệu USD mỗi năm trong vòng 5 năm) và vay 465 triệu USD còn lại từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc với lãi suất 2,3%, thời gian ân hạn 5 năm và kỳ hạn 35 năm.
Tuy nhiên, website của công ty không nói rõ về 60% chi phí xây dựng còn lại, chỉ cho biết số tiền này sẽ do "các ngân hàng Trung Quốc" cung cấp.
Tuyến đường sắt này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với tham vọng kết nối Côn Minh tới Singapore trên tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 km.
Nguyễn Tiến (Theo CGTN)