"Vô cùng thương tiếc ngài Abe Shinzo, lãnh đạo có uy tín quốc tế cao, người bạn lớn, thân thiết của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm nay ghi trong sổ tang tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội.
Trong sổ tang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi chia buồn sâu sắc nhất tới Nhật hoàng, nhân dân Nhật Bản và gia quyến ông Abe.
Chủ tịch nước cũng nhận định trong thời gian giữ chức thủ tướng Nhật Bản, ông Abe "để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, đầy ý nghĩa trong thiết lập và củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình ở châu Á".
Chủ tịch nước khẳng định không thể quên kỷ niệm sâu sắc trong thời gian làm việc với ông Abe và sự quan tâm đặc biệt của cựu thủ tướng Nhật Bản cho Việt Nam.
Trong sổ tang, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới đảng Dân chủ Tự do, chính phủ, người dân Nhật Bản và gia đình ông Abe "sự tiếc thương, lời chia buồn sâu sắc nhất". "Ngài Abe Shinzo mất đi không chỉ là tổn thất to lớn đối với đất nước Nhật Bản mà còn của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính viết.
Thủ tướng đánh giá tình cảm đặc biệt và hỗ trợ quý báu mà ông Abe dành cho Việt Nam, cũng như quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước là "tài sản vô giá cho tương lai quan hệ hai nước chúng ta".
Thủ tướng cho biết trong thời gian ông Abe giữ chức thủ tướng Nhật Bản, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước "bước sang giai đoạn mới, phát triển tốt đẹp với những dấu ấn đậm nét".
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam và Nhật Bản "sẽ cùng nhau vượt qua nỗi đau thương, mất mát to lớn này", đồng thời phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị "vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở trong khu vực và trên thế giới, vì sự hùng cường và thịnh vượng của mỗi nước chúng ta".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi vòng hoa tưởng niệm ông Abe.
Hàng trăm người dân Việt Nam cũng đã tới bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội để tưởng niệm cựu thủ tướng Abe.
Cựu thủ tướng Abe, 67 tuổi, bị bắn khi đang diễn thuyết trước nhà ga tỉnh Nara hôm 8/7 và qua đời tại bệnh viện do vết thương quá nặng.
Trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, ông Abe đã 4 lần đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào năm 2006, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội. Ông Abe khi đó 52 tuổi, vừa nhậm chức được hai tháng và là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến.
Tháng 1/2013, Việt Nam trở thành nơi công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe khi ông tái đắc cử vào cuối năm 2012, mở đầu giai đoạn cầm quyền liên tiếp 8 năm của ông.
Hai chuyến thăm còn lại của ông Abe diễn ra năm 2017, khi Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục củng cố "quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" được thiết lập vào năm 2014. Ông cũng đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào cuối năm đó.
"Tôi đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam, đó là lý do tôi chọn Việt Nam là một trong 4 quốc gia tôi thăm đầu năm nay", ông Abe nói trong cuộc họp báo quốc tế ngày 16/1/2017.
"Di sản quan trọng nhất mà ông Abe để lại cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chính là mối quan hệ tin cậy, không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn giữa nhân dân hai nước. Nếu không tính quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam có lẽ là nước mà ông Abe đến thăm nhiều nhất với cương vị thủ tướng", ông Nguyễn Quốc Cường, người giữ chức đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018, nói với VnExpress về dấu ấn của cựu thủ tướng Abe đối với quan hệ song phương.
Nguyễn Tiến