Các quan chức hàng đầu của EU nói rằng họ sẽ sớm có lại một người bạn trong Nhà Trắng, khi Joe Biden sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. "Hãy thiết lập một hiệp ước mới vì một châu Âu hùng mạnh hơn, một nước Mỹ hùng mạnh hơn và vì một thế giới tốt đẹp hơn", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói.
"Nghi lễ cao quý trên các bậc thang của Đồi Capitol sẽ là một minh chứng cho sự kiên cường của nền dân chủ Mỹ", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen bình luận. "Và đó là bằng chứng rõ ràng rằng một lần nữa, sau 4 năm, châu Âu có một người bạn trong Nhà Trắng".
NATO bày tỏ hy vọng thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Biden. "Chúng tôi mong muốn hợp tác với Tổng thống đắc cử Joe Biden để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, vì chúng ta phải đối mặt với những thách thức toàn cầu mà không ai trong chúng ta có thể giải quyết một mình", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết trên Twitter.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông rất mong được "hợp tác chặt chẽ" với chính quyền Mỹ mới. Johnson, người đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về mối quan hệ thân thiết của mình với Trump, liệt kê một loạt lĩnh vực ông hy vọng sẽ hợp tác với Biden.
"Trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nền dân chủ, các mục tiêu của chúng ta đều giống nhau và sẽ hợp tác cùng nhau để đạt được những mục tiêu đó", ông nói.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng ông "cảm thấy rất nhẹ nhõm" khi Joe Biden sẽ thay thế Donald Trump làm tổng thống Mỹ từ ngày 20/1, gọi đó là "một ngày tốt lành cho nền dân chủ". "Tôi biết nhiều người ở Đức cũng cảm thấy như vậy", ông nói.
Steinmeier bình luận rằng các thể chế của Mỹ đã chứng minh được sức mạnh khi đối mặt với "những thử thách lớn" và "sự thù địch" trong nhiệm kỳ của Trump. Ông cho biết việc chuyển giao quyền lực cho Biden mang đến "hy vọng rằng cộng đồng quốc tế có thể hợp tác chặt chẽ hơn và tốt hơn trong tương lai để giải quyết các vấn đề lớn của thời đại chúng ta".
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kêu gọi Nga và Mỹ sửa chữa mối quan hệ căng thẳng. "Tình trạng quan hệ hiện nay giữa Nga và Mỹ rất đáng lo ngại", ông nói. "Điều này có nghĩa là phải làm gì đó để bình thường hóa quan hệ".
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết bất kỳ cải thiện nào trong mối quan hệ giữa Moskva với Washington sẽ phụ thuộc vào Joe Biden. "Nước Nga vẫn sẽ hành động như hàng trăm năm qua: tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Nhưng việc Washington có nỗ lực hướng tới mục tiêu tương tự hay không "sẽ phụ thuộc vào Biden và đội ngũ của ông".
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ niềm hân hoan trước sự ra đi của Trump, người đã có chính sách cứng rắn với nước này. Rouhani gọi Trump là "bạo chúa" và kêu gọi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Chính quyền của Biden muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà Trump đã rút khỏi, với điều kiện Tehran tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn.
"Chúng tôi mong đợi chính quyền Biden quay trở lại với luật pháp, các cam kết, và nếu có thể thì trong 4 năm tới, hãy xóa bỏ những vết nhơ của 4 năm qua", Rouhani nói.
Lễ nhậm chức của Joe Biden sẽ bắt đầu vào khoảng 11h30 (23h30 giờ Hà Nội) ngày 20/1. Khoảng 1.000 người tham dự buổi lễ, đa phần là nghị sĩ quốc hội và khách mời của họ. Sự kiện sẽ được Ủy ban Nhậm chức Tổng thống phát trực tuyến, công chúng Mỹ được khuyến cáo ở nhà, không tới Washington chứng kiến sự kiện do lo ngại về Covid-19 và vấn đề an ninh. Vài giờ sau khi nhậm chức, Biden dự kiến ký 17 lệnh về Covid-19, nhập cư, môi trường và kinh tế, đảo ngược nhiều chính sách của Trump.
Phương Vũ (Theo AFP)