Ngày 3/1 đã trôi qua mà không xảy ra những vụ tấn công trả đũa nhắm vào người Mỹ của Iran như một số người lo ngại. Ngày này năm trước, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tung đòn hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), được coi là người quyền lực thứ hai nước này sau lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Soleimani thiệt mạng trong vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, đẩy khu vực vào tình trạng hoảng loạn cao độ vì nguy cơ xung đột lớn hơn, khi Tehran thề sẽ trả đũa. Tuy nhiên, cuộc tập kích bằng tên lửa nhắm vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq sau đó lại khá hạn chế, dường như đã được cảnh báo trước để không ai thiệt mạng.
Sau sự việc, Tehran tiếp tục "hứng đòn" từ chiến dịch gây áp lực tối đa của Washington với những lệnh trừng phạt tăng cường, giữa lúc Covid-19 hoành hành và Iran là vùng dịch nghiêm trọng tại Trung Đông. Cuối tháng 11/2020, họ một lần nữa chịu mất mát khi Mohsen Fakhrizadeh, chuyên gia được coi là "bộ não hạt nhân" và được bảo vệ cẩn mật hàng đầu đất nước, thiệt mạng sau cuộc phục kích giữa ban ngày, ngay tại ngoại ô Tehran.
Tương tự vụ không kích Soleimani, Iran một lần nữa thề đáp trả, với cáo buộc Israel đã làm "lính đánh thuê" cho Mỹ khi ám sát Fakhrizadeh. Tuy nhiên, họ vẫn "nhẫn nhịn" chưa tung ra bất cứ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.
Động thái đáng chú ý nhất gần đây của Tehran là tuyên bố nâng mức làm giàu uranium hôm 5/1. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc cũng xác nhận nước này đã bắt đầu quá trình làm giàu uranium tới mức tinh khiết 20% tại khu phức hợp Fordow.
Quyết định của Iran tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) được nước này ký với 6 cường quốc hồi năm 2015, vốn đang lung lay sau khi Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018. Đây cũng được đánh giá là bước đi quyết liệt nhất trước mối lo ngại Iran phát triển vũ khí hạt nhân, khiến khu vực trở nên bất an.
Tuy nhiên, bình luận viên Nick Paton Walsh của CNN chỉ ra rằng việc này không hoàn toàn bất ngờ. Quốc hội Iran tháng trước vạch ra động thái này, như một phần của kế hoạch nhiều bước mà họ muốn Tổng thống Hassan Rouhani thực hiện, nhằm tăng cường sức ép lên Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong nỗ lực tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt. Ngoài ra, con số 20% thấp hơn rất nhiều so với mức làm giàu uranium trên 90% cần để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Một ngày trước tuyên bố nâng mức làm giàu uranium, lực lượng hải quân thuộc IRGC còn bắt tàu hàng Hankuk Chemi của Hàn Quốc, với lý do "liên tiếp vi phạm quy định môi trường hàng hải" và gây ô nhiễm Vùng Vịnh. Thủy thủ đoàn, gồm các công dân Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Myanmar, cũng bị giữ tại thành phố cảng Bandar Abbas.
Theo bình luận viên Walsh, động thái này của Tehran đóng vai trò như một lời nhắc nhở tương đối nhẹ nhàng về tầm ảnh hưởng của họ đối với hoạt động hàng hải trong Vùng Vịnh. Hàn Quốc là quốc gia khá trung lập, với một số tài sản của Iran vẫn bị đóng băng tại những ngân hàng của nước này, nhưng đủ để Iran gây sự chú ý mà không làm dấy lên phản ứng gay gắt.
Trước dịp kỷ niệm một năm ngày mất của Soleimani, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller ban đầu định rút tàu sân bay USS Nimitz khỏi Trung Đông, dường như nhằm tránh bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào, nhưng sau đó đổi ý. Walsh cho rằng Washington giờ đây cũng giống như Tehran, dường như muốn cứng rắn, nhưng không mạnh tay đến mức khiến bản thân bị sa lầy.
Tình huống này được cho là tạo điều kiện tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Iran với chính quyền Biden sắp tới. Jake Sullivan, người được Biden đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, cho biết Mỹ sẽ tái gia nhập thỏa thuận JCPOA nếu Iran dỡ bỏ các máy ly tâm và ngừng làm giàu uranium.
Theo Sullivan, ngay khi cả hai bên đều trở lại tuân thủ JCPOA, bước tiến đặc biệt phù hợp với bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào cuối năm nay, một thỏa thuận "tiếp nối" có khả năng tập trung vào công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ thẳng thừng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy, thêm rằng JCPOA không có gì cần đàm phán lại.
Hệ quả từ chính sách gây áp lực tối đa lên Iran của Trump đủ rắc rối để chính quyền Biden phải đối mặt muôn vàn thách thức. Tuy nhiên, những phản ứng chủ yếu là "đòn gió" của Tehran, bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề và những vụ ám sát chấn động đất nước, cho thấy họ rất quan tâm đến vấn đề ngoại giao và muốn được nới lỏng lệnh trừng phạt, bình luận viên Walsh nhận định.
Điều này được thể hiện qua bài đăng gần đây trên Twitter của Ngoại trưởng Iran Javid Zarif. Ông cho biết dù quá trình làm giàu uranium tới mức 20% đã bắt đầu, nó "hoàn toàn có thể được đảo ngược khi tất cả đều tuân thủ đầy đủ" JCPOA.
Walsh đánh giá quan hệ Mỹ - Iran dưới thời Trump, với hàng loạt động thái mà nhiều người từng ngỡ sẽ gây ra "hỗn chiến", cho thấy Tehran có lẽ nhận thức rõ rằng họ sẽ thất bại trong bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào với Washington. Vì vậy, họ không phản ứng bằng cách công khai những dấu hiệu liên quan đến chạy đua hạt nhân, thể hiện ý thức nắm bắt rõ ràng "lằn ranh đỏ" của Trump.
Theo Walsh, thách thức từ bây giờ cho đến ngày 20/1 là đảm bảo không bên nào xét lại mục tiêu lâu dài của đối phương, trong khi hy vọng quan hệ Mỹ - Iran sẽ gặp "ánh sáng cuối con đường".
Ánh Ngọc (Theo CNN)