Trong chiến dịch tranh cử, Joe Biden đã hứa sẽ chấm dứt cách tiếp cận theo chủ nghĩa biệt lập của Trump, hứa sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ và sửa chữa quan hệ với các đồng minh. Nhưng trong khi các nhà ngoại giao nhiều khả năng không nghe thấy cụm từ "Nước Mỹ trên hết" trong một thời gian, Biden sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó có thể đảo ngược hoàn toàn chính sách của Trump.
Với Trung Quốc, Trump đã là một đối thủ "khó chơi" khi ông thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh hơn rất nhiều tổng thống Mỹ khác. Ông tung các đòn áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, làm nóng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và có những động thái nhằm ngăn nước này tiếp cận với các công nghệ quan trọng của Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump liên tục cảnh báo chiến thắng của Joe Biden cũng sẽ là chiến thắng của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ "sở hữu nước Mỹ". Dù vậy, chưa chắc Biden sẽ nhẹ tay với Trung Quốc.
Hồi tháng 8, sau khi vài tờ báo nói Biden có ý rút lại đòn thuế của Trump với hàng hóa Trung Quốc, phụ tá của ông vội vã cải chính, nói rằng ông sẽ chỉ "đánh giá lại các mức thuế" với hàng nhập khẩu Trung Quốc và không cam kết loại bỏ chúng.
Dù vậy, Biden nhiều khả nắng chấm dứt cách tiếp cận "một mất một còn" về thương mại như chính quyền Trump. "Biden sẽ giữ lại một số điểm trong chính sách thương mại của Trump, nhưng ông ấy chắc chắn sẽ không thể hiện giọng điệu gay gắt và gây hấn", Frank Lavin, cựu thứ trưởng thương mại Mỹ, nhận định.
Việc Biden cam kết "tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời giúp thêm nhiều nơi trên thế giới giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia như Trung Quốc", dường như không khác nhiều so với tuyên bố từ chiến dịch của Trump: "Đòi lại một triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc". Do đó, nhiều nhà phân tích đánh giá sự khác biệt của Biden sẽ chỉ nằm ở chi tiết, chứ không đổi mới chiến lược tổng thể với Trung Quốc.
Mỹ - Trung không chỉ căng thẳng về vấn đề thương mại. Quan hệ hai nước đang có nguy cơ biến thành "Chiến tranh Lạnh mới" sau những màn "ăn miếng trả miếng" trên nhiều mặt trận như hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau, hạn chế visa của phóng viên, học sinh và học giả, cũng như các vấn đề Biển Đông, Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan. Giới phân tích đánh giá xu hướng này khó có thể đảo ngược dưới thời Biden vì chính sách chung của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn sẽ là cạnh tranh một cách cứng rắn.
"Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc", Biden viết một bài báo hồi tháng ba, nhấn mạnh cách đối phó hiệu quả nhất với Trung Quốc là "xây dựng mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác".
"Dưới thời Biden, Mỹ có thể duy trì nhiều chính sách cứng rắn của Trump về Trung Quốc và vấn đề Biển Đông, vốn được đa số người Mỹ ủng hộ, theo các cuộc thăm dò. Cũng có khả năng Biden sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc ở một mức độ nào đó", Todd Elliott, nhà phân tích an ninh rủi ro của công ty Concord Consulting có trụ sở tại Jakarta, nói.
Dù vậy, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Baucus nói rằng so với người khó đoán như Trump, Bắc Kinh sẽ thích một lãnh đạo "tương đối ổn định" như Biden hơn. "Bạn sẽ không thấy một tổng thống đăng lên Twitter bất cứ điều gì ông nghĩ vào nửa đêm hay một tổng thống không làm việc với các cố vấn của mình", Baucus nói.
Xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương vốn là trọng tâm chính sách đối ngoại của Obama. Biden sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với khu vực này, bằng cách tăng cường hợp tác với các đồng minh như Australia, Nhật và tiếp cận cả các quốc gia nhỏ hơn.
David Schultz, giáo sư Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Pháp lý, tại Đại học Hamline, cho rằng "Biden thậm chí có thể tính đến việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)" mà Trump đã rút khỏi khi mới nhậm chức. Tháng 11/2017, các nước tham gia đã thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sebastian Strangio, biên tập viên Diplomat, nhận định rằng cách tiếp cận Đông Nam Á của chính quyền Trump đã "không mạch lạc". Nhiều chức vụ ngoại giao chuyên trách khu vực này cũng bị bỏ trống.
Vì vậy, Elliott đánh giá việc Biden đắc cử "có thể là tin tốt cho Đông Nam Á" vì chính quyền Biden có thể có chính sách đối ngoại nhất quán và chặt chẽ hơn. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều khả năng được bổ sung nhân sự để thúc đẩy quan hệ với khu vực này.
Không quốc gia nào có mối quan hệ với Mỹ thay đổi dưới thời Trump đáng kể như Triều Tiên. Từ những lời đe dọa và lăng mạ lẫn nhau, mối quan hệ Washington - Bình Nhưỡng đã phát triển theo hướng không ai nghĩ tới. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã ba lần họp thượng đỉnh và trao đổi hàng chục bức thư.
Tuy nhiên, quan hệ cá nhân tốt đẹp Trump - Kim vẫn không thể thuyết phục được Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Trong cuộc duyệt binh hôm 10/10, Triều Tiên phô diễn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn chưa từng thấy, dường như có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, khiến mối đe dọa với Mỹ tăng lên nhiều lần.
Joe Biden từng tuyên bố ông sẽ không gặp lãnh đạo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không đáp ứng những điều kiện tiên quyết liên quan tới phi hạt nhân hóa. Tuyên bố cứng rắn của ông khiến khả năng nước Mỹ dưới thời Biden nhanh chóng dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên ít có cơ hội xảy ra.
"Biden sẽ xem xét vấn đề Triều Tiên một cách thực sự nghiêm túc, theo cách có tổ chức và kỷ luật hơn. Họ chưa chắc sẽ đưa ra kết luận đúng, nhưng họ sẽ trở lại quy trình truyền thống, bình thường của chính phủ Mỹ", John Delury, giáo sư từ Đại học Yonsei, nói.
Trung Đông được xem là thách thức đối với Biden khi tìm kiếm đồng minh. Chính quyền tổng thống Obama được cho là đã không can thiệp khi nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ sụp đổ trong biến động chính trị "Mùa xuân Arab". Trong gần 4 năm qua, lãnh đạo các nước vùng Vịnh tỏ ra khá ưng ý với một số chính sách của Trump.
Biden có thể tiếp tục ít nhất một trong những chính sách của Trump, khi ông hai tháng qua thúc đẩy để ba quốc gia Arab gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan bình thường hóa quan hệ với đồng minh của Mỹ là Israel. Đây được coi là thành công về chính sách đối ngoại của Trump.
Biden đã nói rằng ông sẽ làm nhiều hơn nữa để khởi động lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, đây sẽ là điều khó khăn vì Palestine đang coi động thái của các nước Arab nói trên là "phản bội".
Tổng thống đắc cử cho rằng chính sách "gây áp lực tối đa" của Trump với Iran đã thất bại, nhấn mạnh rằng nó khiến căng thẳng gia tăng đáng kể, làm mất lòng đồng minh châu Âu và Iran hiện tiến gần đến vũ khí hạt nhân hơn so với khi Trump mới nhậm chức. Ông hứa hẹn tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu họ tuân thủ quy định, nhưng ông sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho đến lúc đó.
Biden gặp thách thức về thời gian vì bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào tháng 6 năm sau và quyền lực có thể được chuyển giao cho những người cứng rắn hơn, khiến việc đàm phán trở nên "khó nhằn" hơn. Chính quyền mới của Biden sẽ phải làm việc nhanh chóng để thống nhất một cách tiếp cận mới đối với Iran với các bên ký kết thỏa thuận gồm Anh, Pháp và Đức.
Hồi tháng 10, Biden cho biết rằng ông sẽ có lập trường cứng rắn với Nga, gọi Moskva là "đối thủ" cũng như "mối đe dọa" lớn nhất đối với an ninh Mỹ. Ông bác bỏ ý tưởng của Trump là mời Nga trở lại nhóm G7. Ông ủng hộ việc hủy bỏ dự án đường ống Nord Stream 2 do Điện Kremlin hậu thuẫn để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Những người phản đối dự án này nói rằng nó sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga.
Dưới thời Obama, cựu phó tổng thống Biden là người đóng vai trò chủ chốt về vấn đề Ukraine. Ông đã ủng hộ việc gửi vũ khí sát thương tới Kiev để giúp chính quyền nước này chiến đấu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn.
Lập trường của Biden và Nga cho thấy căng thẳng giữa Washington và Moskva sẽ tiếp diễn và có thể còn trở nên tồi tệ hơn dưới thời ông. Tuy nhiên, kiểm soát vũ khí có thể là một trong số ít các vấn đề trở thành nền tảng cho các cuộc đàm phán hiệu quả giữa hai nước.
Biden cho biết ông sẽ gia hạn New START, hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Nga, đồng thời theo đuổi một hiệp ước mới. New START, áp đặt giới hạn với kho vũ khí hạt nhân chiến lược của hai nước, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 nhưng có thể được gia hạn thêm 5 năm. Chính quyền Trump đã từ chối đề xuất của Moskva về việc gia hạn thỏa thuận, trong khi đó, Biden đánh giá thỏa thuận có lợi cho an ninh Mỹ.
Sau 4 năm dưới sự lãnh đạo của Trump, Mỹ đã mất đi nhiều sự ủng hộ của đồng minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức. Nic Robertson, nhà phân tích của CNN, các đồng minh châu Âu sẽ hy vọng Biden có thể nhanh chóng đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy các hành động xa rời chủ nghĩa đa phương, từ bỏ các cam kết quốc tế và rút lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu của Trump trong 4 năm cầm quyền sẽ không bao giờ lặp lại.
Một động thái có thể giúp Mỹ nhanh chóng lấy lại niềm tin của đồng minh và đối tác là cam kết tham gia trở lại Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015, thỏa thuận mà Trump bắt đầu rút khỏi vào năm 2019. Biden từng hứa hẹn làm điều này trong bài phát biểu năm ngoái. Một vấn đề khác có thể giúp Biden "lấy lòng" đồng minh là nối lại quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Biden đã gọi NATO là "liên minh chính trị - quân sự hiệu quả nhất trong lịch sử hiện đại, trái ngược với Trump, người từng nói tổ chức này "lỗi thời". Ông được cho là sẽ thúc đẩy để NATO khôi phục nhuệ khí khi tổ chức ngày càng có dấu hiệu "rệu rã" sau hơn 70 năm hoạt động.
Tuy nhiên, một số người không quá lạc quan. "Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chưa bao giờ tồi tệ như thế này", một quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu giấu tên nói. "Nó có thể được sửa chữa, nhưng tôi không chắc nó sẽ như cũ".
Lời hứa đưa Mỹ trở về vị trí dẫn dắt toàn cầu của Biden sẽ khó được thực hiện nhanh chóng khi bản thân nước Mỹ đang đối mặt nhiều khủng hoảng. "Thời gian không phải là bạn của ông ấy. Sự bất mãn của những người ủng hộ Trump, Covid-19 và thách thức kinh tế có thể chiếm trọn những ngày đầu nhiệm kỳ của Biden", Robertson viết.
"Joe Biden sẽ không thay đổi cách tiếp cận của Washington đối với các vấn đề quốc tế trong một sớm một chiều, bởi vì ông ấy không thể", cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói.
"Trong tương lai gần, Mỹ sẽ phải lo liệu việc của chính mình", nhà khoa học chính trị người Đức Markus Kaim nói.
Phương Vũ (Theo SCMP/FT/Reuters)