Đại hội đảng Lao động Triều Tiên khai mạc hôm 5/1 tại Bình Nhưỡng, kéo dài 8 ngày, là đại hội đầu tiên được tổ chức sau gần 5 năm. Bên cạnh việc thừa nhận kế hoạch kinh tế 5 năm của Triều Tiên không đạt mục tiêu "trên hầu hết lĩnh vực", lãnh đạo Kim Jong-un vẫn tuyên bố phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn 15.000 km, có thể vươn tới Mỹ, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhiều loại đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Tuy nhiên, Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong của Hàn Quốc, chỉ ra rằng vấn đề phi hạt nhân hóa, một ưu tiên đối ngoại của các cường quốc với Triều Tiên, không được đề cập dù chỉ một lần. Điều này làm dấy lên lo ngại về triển vọng của tiến trình, ngay cả khi Washington và Bình Nhưỡng nối lại đàm phán dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
"Nếu và khi nối lại đàm phán với Mỹ, Triều Tiên có khả năng sẽ đề nghị thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí theo phong cách Chiến tranh Lạnh, nhằm giảm các mối đe dọa lẫn nhau từ vũ khí hạt nhân và thúc đẩy công nhận họ là quốc gia hạt nhân", Park suy đoán, nhưng nói thêm rằng Washington khả năng cao sẽ không chấp nhận.
Việc Kim Jong-un tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân giữa lúc kinh tế Triều Tiên lao đao vì các lệnh trừng phạt, thiên tai và Covid-19 đặt ra câu hỏi về những hành động mà ông có thể đưa ra sau khi Biden nhậm chức, cũng như thắc mắc rằng Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ áp dụng chiến lược nào đối với Triều Tiên.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 12/1 giải mật chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ Ấn Độ vươn lên thành đối trọng với Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan. Tài liệu được công bố một tuần trước lễ nhậm chức của Biden dường như nhằm đảm bảo lưỡng đảng tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiềm chế sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Á.
Tài liệu cũng trình bày một khuôn khổ trong quan hệ với Triều Tiên, với mục tiêu là "thuyết phục chính quyền Kim rằng con đường duy nhất cho sự tồn tại của họ là từ bỏ vũ khí hạt nhân", đồng thời nêu ra những biện pháp bao gồm gây áp lực trên mọi lĩnh vực để làm tê liệt chương trình vũ khí, đặt các điều kiện đàm phán nhằm đảo ngược chương trình hạt nhân và tên lửa, hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo. Để làm được điều này, Mỹ cần gắn kết Hàn Quốc và Nhật Bản, bất chấp xung đột giữa họ, và gia tăng khả năng quân sự cho hai nước.
Tuy nhiên, Woo Jung-yeop, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc, đánh giá chính quyền Trump chưa đạt được những gì họ đề ra, đồng thời dự đoán chính quyền Biden ít có khả năng tái sử dụng bản chiến lược này. Nhiều nhà phân tích còn chỉ ra rằng Biden có nhiều vấn đề khác cần ưu tiên hơn Triều Tiên, như thách thức từ Trung Quốc và Iran, việc tái thiết quan hệ với EU và NATO, hay đặc biệt là giải quyết tình hình trong nước.
"Mỹ năm 2021 sẽ là một quốc gia rất hướng nội, đồng nghĩa với việc Biden khả năng cao sẽ ít đề cập và không đưa ra nhiều động thái đối với Triều Tiên, một ưu tiên thứ yếu. Theo tôi, chính quyền Biden đang hy vọng trạng thái hiện nay được duy trì đến cuối mùa hè, khi mọi thứ được cải thiện, sau đó cố gắng đạt tiến bộ có ý nghĩa với Triều Tiên", Harry Kazianis, giám đốc cấp cao về nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia của Mỹ, nhận định.
Kyle Ferrier, giám đốc phụ trách học thuật tại Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ, cũng nhất trí rằng Triều Tiên dường như không phải ưu tiên đối ngoại của Biden, nhưng lưu ý tình hình có thể thay đổi nhanh chóng nếu xuất hiện động thái khiêu khích. Mặc dù vậy, lựa chọn này giờ đây khá khó khăn với Triều Tiên do nền kinh tế lao dốc.
Bên cạnh đó, động thái tiếp theo của Triều Tiên được cho là còn phụ thuộc vào tín hiệu từ Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của họ. Giới phân tích đánh giá Bình Nhưỡng có thể hưởng lợi từ sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Theo Kazianis, Kim Jong-un đã nhận định chính xác rằng căng thẳng Mỹ - Trung càng kéo dài thì Trung Quốc càng nhìn nhận khác về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng vẫn sẽ cẩn thận và không tiến hành những vụ thử vũ khí có nguy cơ "chọc giận" Bắc Kinh.
Choi Kang, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc, còn đánh giá căng thẳng Mỹ - Trung giúp nâng cao giá trị về địa chính trị của Triều Tiên. Họ vừa có thêm một lợi thế khi thương lượng các vấn đề với Trung Quốc, vừa có thể ngả về Bắc Kinh để gây sức ép nếu Washington không chịu nhượng bộ.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in được cho là đang thúc giục chính quyền Mỹ sắp tới ủng hộ tuyên bố chung được ký tại Singapore hồi tháng 6/2018, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Trump và Kim Jong-un, với nội dung cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thiết lập quan hệ bình thường, hướng tới hòa giải và trao trả hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên.
"Một thông điệp đã được gửi đến chính quyền sắp tới của Biden, đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên bằng cách trở về với tinh thần hội nghị ở Singapore", tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Kim Joon-hyung, giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, đánh giá cao chính sách đối ngoại với Triều Tiên của Trump, ca ngợi cách tiếp cận "lý tưởng" mà ông đã áp dụng với Kim và cho rằng Biden nên "trân trọng" thỏa thuận ở Singapore. Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ từng tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa, cũng tin rằng thỏa thuận này là nền tảng để mở ra cánh cửa nối lại các cuộc thảo luận.
"Đội ngũ của Biden biết rằng không phải điều gì dưới thời Trump cũng là sai lầm. Họ thừa nhận Trump đã góp phần mở cửa, dù chỉ một chút, và đạt được một số thành tựu trong những cuộc gặp với Kim", Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách Triều Tiên, cho hay, nói thêm rằng chính quyền Biden nên đưa ra lộ trình ngoại giao mới thực tế hơn dựa trên những bài học trong nhiệm kỳ của Trump.
Tổng thống Moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, coi việc tiếp cận với Triều Tiên là mục tiêu chủ chốt và luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều. Tuy nhiên, vai trò của Hàn Quốc trở nên mơ hồ khi họ không tìm ra được khoảng trống nào trong các lệnh trừng phạt để giúp Triều Tiên. Những đề xuất hỗ trợ kinh tế đều bị Bình Nhưỡng từ chối thẳng thừng.
Trong bài phát biểu bế mạc đại hội đảng Lao động, ông Kim cho biết họ cần "khôi phục, củng cố hệ thống và trật tự vận hành của nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của nhà nước". Động thái này làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng sẽ quay trở lại cách tiếp cận cũ kém cởi mở hơn về kinh tế, khiến nỗ lực của Hàn Quốc phức tạp hơn đáng kể.
Trong khi đó, bất kể những mối bận tâm của Biden là gì, ông có thể sẽ nhận ra rằng Triều Tiên đang cố gắng trở lại thành vấn đề hàng đầu trong chính sách của ông.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)