Mưa lớn kéo dài hơn ba giờ khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm TP HCM ngập sâu, xe hai bánh, ôtô chết máy hàng loạt, tối 6/8.
Nhiều độc giả cho hay:
Hình như ngập sau mưa là "hot trend" của nhiều đô thị ở Việt Nam. Lúc trước chỉ có một số nơi trũng thấp bị ngập. Giờ hễ mưa là ngập, cả nhũng chỗ vùng ven của Hà Nội, TP HCM. Nhiều thành phố có quy mô vừa và nhỏ cũng rất dễ ngập.
Phải chăng, lỗi do quy hoạch không đồng bộ, chỉ quan tâm tới xây nhà còn đường, thoát nước, bãi xe, điện nước... mạnh bên nào bên đấy lo?
Chống ngập từ một vài điểm trũng những năm trước thì ngày nay sau khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để có kết quả ngập nguyên thành phố. Đâu cần phải mưa lớn như hôm qua, chỉ cần mưa nhỏ thôi thì tất cả các quận đều có điểm ngập.
Thậm chí không mưa nhưng triều cường lên cao là đã ngập nặng rồi chứ cần gì đến mưa gió bão bùng. Điển hình như triều cường lên cao gây ngập nặng cho Quận 8 đường Bến Bình Đông, Quận 2 đường Lương Định Của, quận Thủ Đức đường Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi...
Cứ mỗi lần trời mưa lớn đến rất lớn thì một hai giờ lên báo xem tin, các điểm ngập vẫn là những nơi: đường Nguyễn Hữu Cảnh, Bến xe Miền Đông, Kha Vạn Cân, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Bến xe Miền Tây, Kinh Dương Vương... rồi ở những đâu nữa?
Xót xa cho người dân có lẽ thức trắng đêm, không còn sức để tát nước nữa, mà chỉ là thẫn thờ ngồi nhìn nước mênh mông khắp nhà, và nước mênh mông trước ngõ. Đợi nước rút với những tiếng thở dài.
Một số độc giả đề xuất giải pháp chống ngập bằng cách trữ nước:
Ở Việt Nam, nguồn nước là vô tận mà lại bị bỏ phí. Ví dụ: Một ngôi nhà 100 m2 nếu hứng trận mưa lớn 100 mm thì lượng nước có thể trữ lại sẽ là 10 m3 nước. Như vậy, khi xây dựng khu dân cư, thành phố có quy hoạch các công trình làm bể chứa và bể thấm thì sẽ hạn chế rất nhiều cảnh lụt lội này.
Nước mưa cũng có thể lọc để sử dụng được, hoặc không thì cũng có thể tắm, giặt, tưới cây. Mỗi ngôi nhà xây dựng ít cũng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mà không lẽ không bỏ ra 10 - 20 triệu đồng xây được bể này?
Tôi cho rằng mỗi nhà dân nên có một bể nước ngầm, ít nhất là khoảng 1-2 m3 ở trong nhà, giống như các gia đình ngoài Hà Nội. Chủ đầu tư cũng có thể lắp đặt hệ thống hứng nước mưa trên các trên toà nhà, sau đó có hệ thống chảy vào đầy các bể nước ngầm. Nếu không có nhu cầu sử dụng nước ngầm thì khi trời không mưa sẽ xả đi, nhà nào dùng có thể để lau sàn, dội bồn cầu.
Mục đích sử dụng các bể chứa nhằm hứng lại nước mưa khi mưa nhiều và xả dần khi không mưa, để tránh gây lụt phố phường.
>>Quan điểm của bạn thế nào, chia sẻ bài viết tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp