Má chỉ mượn được chỗ này, chỗ kia vài cuốn, ráp lại thì đủ bộ. Tôi biết sách đi mượn, nên dùng rất cẩn thận, đặc biệt là không ghi chép, viết vẽ gì lên sách. Học hết năm, má đem đi trả, không quên hỏi mượn những cuốn giáo khoa của lớp tiếp theo cho tôi.
Sau này, tôi tự biết đường đi mượn; thậm chí, còn biết "xí phần" trước để không bị người khác mượn mất.
Những đứa trẻ nghèo thế hệ tôi biết đọc biết viết, thành người bằng những cuốn giáo khoa đi mượn như thế. Cũng có những đứa nhà nghèo quá, không mượn đâu được bộ sách cho tử tế, môn được môn không, càng học càng đúp, cuối cùng bỏ dở giữa chừng. Một số người miền Tây quê tôi không quá coi trọng việc học. Họ nghĩ trên đồng có lúa, dưới sông có cá, đâu chết đói mà sợ. Đi học mà ít tốn kém, họ còn "miễn cưỡng" chấp nhận, chớ phải đầu tư mua sắm trăm thứ, trong đó có sách giáo khoa, thì họ vẫn có thể cho con nghỉ. Người thành thị có thể không bao giờ hiểu nổi lý lẽ này.
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Sách giáo khoa bây giờ, do thường xuyên cải cách, nên giá trị tái sử dụng rất thấp. Cũng là người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi hiểu, cải cách giáo dục là cần thiết, trong đó có việc đổi mới sách giáo khoa.
Cuộc cải cách lớn gần đây nhất là việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp một trong năm học 2020. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa".
Phụ huynh miền Tây bây giờ không đến mức như má tôi, phải đi vòng vòng mượn sách nữa; mà có đi vòng vòng cũng không mượn nổi. Vì nhà nước triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", riêng việc nhớ ra cuốn sách gì thuộc bộ nào để đi mượn cho đúng thôi, cũng là việc quá sức với các bà má. Họ chấp nhận mua sách. Vì phải đi mua, lại mỗi năm một bộ, sách của thằng anh trong nhà, đứa em không xài lại được; nên người dân quê tôi nhận ra giá sách bây giờ cao quá, bộ sách in năm sau giá đã cao gấp 2-3 lần bộ sách năm trước.
Câu chuyện này lên đến diễn đàn Quốc hội, khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lý giải, giá sách cao hơn do nhiều nguyên nhân và Bộ đang nỗ lực tìm cách để giảm giá thành, tăng giá trị tái sử dụng của giáo khoa.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 21/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường, cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Ban đầu tôi đã nghĩ đây là một ý tưởng táo bạo, tiệm cận với cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới. Nga, Nhật, Mỹ và một số nước khác đã trang bị sách giáo khoa cho toàn bộ học sinh bằng ngân sách. Học sinh chỉ cần tới thư viện trường để mượn, tham khảo khi cần.
Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêng về hướng là một giải pháp hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn. Cách này theo tôi, là một góc nhìn hạn hẹp, không giải quyết được gì nhiều cho những vấn đề đang gây bức xúc về sách giáo khoa.
Phần lớn phụ huynh hiện nay hoàn toàn có thể mua được sách giáo khoa cho con em. Số trường hợp khó khăn cần hỗ trợ từ nhà nước cũng có, nhưng chiếm tỷ lệ thấp; số này có thể giải quyết bằng các nguồn lực khác, không cần tới ngân sách. Chủ trương chi ngân sách, nếu không kèm theo bộ tiêu chí rõ ràng và đích đáng, như: khu vực, đối tượng học sinh nào được hỗ trợ; giám sát hiệu quả các thư viện sách ra sao... thì còn có thể kéo theo nhiều vấn đề tiêu cực, rút ruột từ tiền thuế của dân.
Vấn đề ở chỗ, phụ huynh cần sự minh bạch, hợp lý về giá cả sách giáo khoa, như một mặt hàng trong cơ chế thị trường hiện nay. Sự lãng phí sách phải được nhìn nhận, thống kê và giải quyết rốt ráo trên quy mô toàn xã hội.
Điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm, là xây dựng một bộ sách giáo khoa thực sự chất lượng, khoa học và có tính ổn định lâu dài. Sách giáo khoa cần đảm bảo đúng chức năng mà nó đã được xác định: là một tài liệu tham khảo, không phải tài liệu bắt buộc. Trường học và giáo viên hoàn toàn có thể chủ động xây dựng học liệu, giáo án, dựa trên định lượng kiến thức mà sách giáo khoa đặt ra.
Lúc đó, thầy trò không chỉ được chủ động, sáng tạo hơn trong dạy và học; mà xã hội sẽ bớt đi một khoản kinh phí khổng lồ mua sách mới hàng năm.
Trương Chí Hùng