Một số làng cổ, phố cổ trên thế giới có thu phí vào cửa đối với khách tham quan, ở đó những giá trị mà du khách nhận được thường lớn hơn rất nhiều so với tiền vé.
Nhưng cũng rất nhiều điểm đến không thu phí mà chỉ lấy hoạt động kinh doanh dịch vụ và sản phẩm địa phương làm nguồn thu chủ yếu - họ có nhiều kinh nghiệm tốt cho Hội An của Việt Nam.
Địa điểm đẹp nhất ở Hàn Quốc mà tôi từng đi không nằm ở Busan sầm uất hay Seoul hoa lệ. Đó lại là một ngôi làng cổ mà chưa nhiều du khách Việt Nam biết đến - Yangdong Village thuộc cố đô Gyeongju, thành phố vàng di sản của đất nước phát triển bậc nhất châu Á này.
Làng Yangdong có tuổi đời gần 600 năm và đến nay vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn nét đẹp truyền thống rất quyến rũ, yên bình, cổ xưa, tách biệt hẳn với những đô thị hiện đại của Hàn Quốc.
Đến Yangdong, du khách có thể trải qua cả ngày dài leo núi, ngắm sông, tham quan nhà cổ, thưởng thức các món ăn truyền thống như thể lạc bước về một thế kỷ xưa cũ. Với mức độ bảo tồn rất tuyệt vời về kiến trúc và văn hóa, Yangdong chính xác là "làng cổ" theo nghĩa nguyên vẹn nhất của từ này.
Không những thế, môi trường sống trong làng còn cực kỳ sạch sẽ, dễ chịu, phong cảnh xung quanh có núi có rừng rất thích hợp cho những kỳ nghỉ dài ngày của những du khách muốn "đưa nhau đi trốn" khỏi cuộc sống bận rộn xô bồ.
Di sản thế giới UNESCO hiếm có này từ lâu đã bán vé tham quan cho du khách, với mức giá chỉ 4.000 won cho mỗi người lớn (khoảng 71.000 đồng), giá vé cho học sinh sinh viên là 2.000 won; đây cũng là làng cổ duy nhất chúng tôi phải mua vé.
Tuy vậy trải nghiệm rất tuyệt vời mà du khách có được khi đến Yangdong khiến cho giá vé này hoàn toàn không đáng kể, một chi phí quá nhỏ mà họ bỏ ra khi đến với một kỳ quan cổ kính trong lòng xã hội hiện đại. Rời khỏi Yangdong, chúng tôi bảo nhau, kể cả giá vé có là 40.000 won thì cũng quá xứng đáng.
Cảm giác này lại lần nữa được tái hiện khi chúng tôi đến Shirakawago - làng cổ nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất ở Nhật Bản. Cũng giống như Yangdong, ngôi làng này nằm tách biệt với các đô thị, và không hề có các công trình hiện đại hay nhà cao tầng vây quanh.
Nó lọt thỏm trong một thung lũng xanh mướt những triền đồi và sông suối bao la. Nếu bạn tìm kiếm thử hình ảnh của ngôi làng có lịch sử cả nghìn năm này, bạn sẽ sững sờ vì nét đẹp vô cùng độc đáo của nó. Có thể nói, không nơi đâu trên đất nước Nhật Bản có được vẻ quyến rũ sinh động như trong cổ tích của Shirakawago.
Đi vào từng ngôi nhà tại đây, du khách ngỡ ngàng vì trình độ thiết kế và xây dựng của người Nhật từ những thế kỷ trước đã rất phát triển, và đặc biệt là được bảo tồn rất tốt cho đến tận ngày nay.
Nhìn những vật dụng cổ đã lên màu thời gian, những nội thất bằng gỗ được cha ông của họ đẽo gọt bằng tay, và những bếp củi luôn đỏ lửa trong nhà, có thể thấy người dân Shirakawago trân trọng các giá trị truyền thống đến mức nào - đó cũng là những giá trị kéo du khách năm châu bốn biển đến với vùng đất này và muốn ở lại đây hàng tuần, thậm chí hàng tháng để tận hưởng không khí.
Ấy vậy mà Shirakawago không hề thu phí đối với du khách vào làng. Chỉ một số ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt mới bán vé tham quan, 300 yên mỗi người (khoảng 53.000 đồng), giá vé này là rất "hữu nghị" nếu so với mức sống đắt đỏ bậc nhất thế giới của Nhật Bản.
Cũng đẹp rực rỡ và cũng có di sản UNESCO, phố cổ Jaipur (Ấn Độ) là một trong những điểm đến nổi bật nhất của đất nước tỷ dân. Khu phố cổ rất rộng lớn, bao gồm nhiều cung điện, lâu đài, bảo tàng, chợ trời, thậm chí còn có cả một đài thiên văn 300 năm tuổi.
Đến với phố cổ này, du khách có cả trăm lựa chọn khác nhau để tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu lịch sử, địa lý, trải nghiệm ẩm thực, mua sắm, thậm chí có thể ở đây cả tháng mà không thấy chán.
Bất kỳ góc phố nào ở Jaipur cũng có thể trở thành góc sống ảo, nhiều công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp châu Á như Cung điện của Gió (Hawa Mahal), Cung điện Thành phố (City Palace)... khiến hàng triệu du khách đến rồi lại muốn quay lại lần nữa.
Jaipur không thu phí đối với khách tham quan phố cổ, một số di tích lịch sử nổi tiếng có bán vé và du khách thậm chí có thể tiết kiệm bằng cách mua vé combo, chỉ tốn có 400 rupee (190.000 đồng) cho 7 điểm tham quan lộng lẫy nhất của Thành phố Hồng này. Mỗi điểm tham quan đều rất rộng, du khách thỏa sức khám phá cả tuần cũng chưa đi hết.
Ở châu Âu, đa số các khu phố cổ, làng cổ chúng tôi đã đi qua đều không thu phí. Trong từng làng cổ, phố cổ, nếu đi vào bảo tàng, lâu đài... thì du khách mới phải mua vé, song giá vé hầu hết đều rất hợp lý so với giá trị mà du khách nhận được.
Họ không chỉ quản lý và bảo tồn di tích rất tốt, mà bảo vệ môi trường cảnh quan cũng ở mức tuyệt vời, dịch vụ du lịch thì chuyên nghiệp, an toàn đến mức du khách không rành ngôn ngữ địa phương, không dày dạn kinh nghiệm "đi phượt" cũng có thể yên tâm thoải mái trải nghiệm chuyến đi của mình.
Đó chính là những "giá trị mềm" khiến du khách say mê và muốn quay lại lần nữa.
Trong số những phố cổ mà chúng tôi từng đến, có lẽ Malacca (Malaysia) có nét tương đồng nhiều nhất với Hội An của chúng ta. Nằm ở eo biển nổi tiếng bậc nhất châu Á, phố cổ Malacca cũng giữ vị trí chiến lược về giao thương buôn bán và là nơi giao thoa giữa nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới.
Lợi thế ấy cho đến nay vẫn còn hiển hiện nguyên vẹn ở đô thị nhỏ bé nhưng sôi động sầm uất này: chỉ trong phạm vi vài cây số, bạn có thể thăm những đền thờ Hồi giáo lộng lẫy, những nhà thờ Thiên Chúa giáo uy nghi, nhiều ngôi chùa Phật giáo hoa mỹ.
Malacca có vô số công trình mang phong cách kiến trúc Bồ Đào Nha, Hà Lan, và cả một khu nhà cổ của người Hoa từ nhiều thế kỷ trước. Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là 15 bảo tàng rải rác khắp khu phố cổ, khiến cho du khách có thể đắm chìm vào nhiều không gian văn hóa - lịch sử khác nhau, tất cả đều hấp dẫn và được quản lý khá tốt.
Giá vé vào bảo tàng là hoàn toàn tượng trưng, có nơi chỉ thu 1-2 MYR (5.000-10.000 đồng), nhiều bảo tàng miễn phí vào cửa. Cùng là phố cổ thương cảng, nhưng Malacca cung cấp đa dạng trải nghiệm hơn, dịch vụ phong phú hơn, và môi trường nói chung tốt hơn nhiều so với Hội An.
Malacca không hề thu phí vào phố cổ, ngược lại, nhìn vào số lượng du khách đến đây, chúng tôi có thể thấy họ chẳng cần thu phí vẫn có thể thu hoạch rất nhiều từ du lịch. Các cửa tiệm, nhà hàng, quán cà phê luôn tấp nập, hàng loạt shop của những thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng có mặt ở Malacca, nhiều du khách đi dạo trên phố cổ với túi lớn túi nhỏ trên tay sau cả một ngày mua sắm thỏa thích.
Chúng tôi bảo nhau, cảm giác "thỏa thích" ấy mới chính là mục tiêu của mọi du khách. Cảm giác này đến từ đặc điểm chung của những làng cổ, phố cổ chúng tôi từng đi qua, đó là bảo tồn tốt, sạch đẹp, an toàn, và dịch vụ chuyên nghiệp.
Một khi đã hài lòng, thỏa mãn, thì có thu phí hay không, du khách không quá câu nệ nữa. So với số tiền mà mỗi người bỏ ra cho cả một chuyến đi, thì vài chục ngàn hay vài trăm ngàn mua vé vào cửa không phải là một khoản tiền cần nâng lên đặt xuống. Nếu đã hài lòng, thì du khách sẵn sàng quay trở lại, chi trả nhiều lần tiền vé, để được trải qua cảm giác "thỏa thích" ấy lần nữa.
Vì thế, điều quan trọng nhất đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hội An nói riêng là ngày càng nâng cao mức độ thỏa mãn của du khách, bảo tồn các giá trị quý và loại bỏ dần những yếu tố tiêu cực, chứ không phải là loay hoay mãi về câu chuyện thu phí.
Thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm về việc bán vé, thu phí, làm sao để tiện lợi nhất cho du khách, và chúng ta hoàn toàn có thể học tập. Đa số các nước không phân biệt khách đoàn hay khách lẻ, khách đến ngắm cảnh hay chỉ đến uống cà phê, khách "người thân" hay khách lạ... bởi vì rất khó quản lý, lại khó đạt được sự minh bạch, công bằng.
Thường họ áp dụng bán vé đối với mọi đối tượng du khách, có ưu đãi đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật - điều mà nhiều điểm du lịch ở Việt Nam lại không tính đến.
Về loại vé, có nơi trên thế giới bán vé vào cửa một lần - nghĩa là một tấm vé chỉ có thể vào cửa một lần. Có nơi lại bán vé theo ngày hoặc vài ngày - để thu hút du khách ở lại nơi đó lâu hơn, chỉ mua vé một lần có thể ra vào không giới hạn trong 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày...
Như thế du khách sẽ rất thoải mái và cảm thấy "có lợi" so với mua vé một lần. Hội An có thể coi là một khu du lịch hấp dẫn, đa số du khách đến đây sẽ ở lại nhiều ngày, nếu lần nào ngày nào ra vào phố cổ cũng phải mua vé thì họ sẽ không muốn quay lại nữa.
Về hình thức, với sự phát triển phi thường của công nghệ, rất nhiều nơi trên thế giới hiện nay khuyến khích dùng vé điện tử, nghĩa là bạn chỉ cần chìa màn hình điện thoại ra để người soát vé quẹt bar code hoặc QR code trên vé điện tử, tiết kiệm rất nhiều giấy tờ và không xả rác ra môi trường.
Du khách hoàn toàn có thể mua vé tự động qua mạng, không cần xếp hàng và cũng không cần giao tiếp trực tiếp với người bán vé. Một số nơi dùng vé loại đồng xu, khi qua cửa du khách sẽ thả đồng xu vào cửa tự động và không cần người soát vé, đồng xu này có thể dùng lại rất nhiều năm cho hàng ngàn lượt du khách, thay vì vé giấy chỉ dùng một lần rồi xé.
Có nơi thì dùng thẻ nhựa để quẹt vào máy kiểm soát ở cổng, thẻ này cũng có thể dùng lại nhiều lần, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Rất tiếc là Hội An vừa áp dụng thu phí nhưng lại vẫn dùng loại vé giấy kiểu "xa xưa" - điều mà các du khách "tiến bộ" chắc chắn sẽ phiền lòng.
Nói cho cùng, để thu hút du khách, một điểm du lịch ngày nay cần rất nhiều yếu tố, từ bán vé hợp lý đến nhà vệ sinh sạch đẹp, từ bảo tồn hoàn hảo đến dịch vụ đầy đủ, chứ không phải cứ cổ cứ đẹp là được.
Nếu du khách không thỏa mãn, họ chỉ đến một lần rồi không quay lại nữa.
Trịnh Hằng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.