TP Hội An trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ký kết hợp tác với tổ chức Four Paws (tổ chức phi lợi nhuận vì phúc lợi động vật) về việc không tiêu thụ thịt chó, mèo.
Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều người ở hai bên bờ "chiến tuyến". Một số người xem chó mèo là thú cưng, là người bạn trung thành, thậm chí là một thành viên trong gia đình nhiệt liệt ủng hộ cam kết này của Hội An. Ngược lại, một số người xem chó, mèo là thực phẩm tỏ ra bàng quang, thậm chí mỉa mai và phản đối.
Tôi không ăn thịt chó, mèo. Tôi cũng không xem chúng là bạn. Hằng ngày tôi vẫn ám ảnh với những con chó hung tợn, không rọ mõm được chủ dắt đi dạo trên vỉa hè hoặc thả rông ngoài đường.
Nhưng với động thái cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo này của Hội An, tôi nghĩ đây là một tín hiệu vui về cách chúng ta tiếp cận với tự nhiên, muôn loài. Một số người thích ăn thịt, chó mèo bảo rằng tại sao heo, trâu, bò, gà... cũng là động vật, cũng là sinh mạng nhưng tại sao không thấy ai đứng lên bảo vệ quyền lợi cho chúng?
>> Tôi bỏ ăn thịt chó để giữ hình ảnh người Việt với khách nước ngoài
Thực ra trả lời câu hỏi này cũng dễ thôi. Nếu một ngày nào đó có số lượng lớn người xem heo, gà... là thú cưng, thì họ hoàn toàn có thể cùng nhau đồng tâm kêu gọi quyền lợi cho heo, gà, hệt như cách mà những người thuộc cộng đồng yêu chó, mèo đang làm. Và nếu cộng đồng đó đủ lớn mạnh và tình cảm của họ dành cho các loài động vật này sâu sắc như trường hợp chó mèo, tôi cũng sẽ không ăn thịt chúng.
Lại nói, dù tôi không thích việc người Nhật giết cá voi hàng năm để lấy thịt. Nhưng tôi thấy trong văn hoá của họ có một điều về bữa ăn mà chúng ta cần học hỏi. Đó là người Nhật thường nói "itadakimasu" trước mỗi bữa ăn, kèm theo hành động chắp tay đầy kính cẩn. Thông thường, người ta vẫn dịch "itadakimasu" thành "cảm ơn vì bữa ăn" hoặc "xin phép được dùng bữa".
Đây không chỉ là một lời cảm ơn đơn thuần, một câu chúc ăn ngon mà nó cho thấy thái độ tôn trọng và biết ơn đối với bữa ăn. Dù thức ăn là mặn hay chay, trước khi biến hình thành những món ăn thơm ngon trên bàn thì nó cũng từng là một sinh mệnh.
Trong chuỗi thức ăn, con người đứng đầu nên những con vật, rau củ... buộc phải hy sinh để cung cấp năng lượng cho con người. Nhưng không vì thế mà chúng ta có quyền lạm dụng, biến những loài động, thực vật thành những bữa ăn một cách bừa bãi.
Tôi cảm thấy có gì đó rất lấn cấn khi mình cứ vô tư ăn thịt những con thú mà có rất nhiều người xem chúng là bạn. Nếu chúng ta thành tâm trước bữa ăn, giống như người Nhật nói "itadakimasu" trước bữa ăn thì có lẽ sẽ dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm với những người ủng hộ không ăn thịt chó mèo.
>> Tôi bỏ ăn thịt chó để giữ hình ảnh người Việt với khách nước ngoài
Ở góc độ khác, tôi thấy hình như người Việt chúng ta chỉ con gì, cây gì có độc là không đụng đến. Còn lại chúng ta "xơi" tất.
Trên mạng, thỉnh thoảng có những video nói về đàn thỏ hoang phát triển quá mức ở Australia, đàn hươu nai nhởn nhơ trong vườn nhà người Mỹ... tôi thấy có những bình luận tưởng đâu là vui nhưng thực sự không vui chút nào: "Nếu ở Việt Nam, những con này sẽ lên bàn nhậu" hoặc "cứ cho người Việt qua đó (Australia) thì trong vòng hai, ba năm sẽ không còn con thỏ nào".
Liệu chúng ta có "đói" ăn tới mức như vậy? Con gì, vật gì ngoài tự nhiên hễ thấy là đều được đem lên bàn nhậu để ăn uống no say hay chăng? Tôi từng rất sợ khi chứng kiến một nhóm người bắt dơi để nhậu vì nó "ngon, độc, lạ". Nhưng trong con dơi có biết bao vi khuẩn, virus nếu ngộ nhỡ ăn vào gây ngộ độc thì thế nào?
Dương Quang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.