Tuần rồi, chính phủ Đức bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Vừa theo dõi họp báo hàng ngày của Bộ trưởng Y tế Đức Spahn và Viện trưởng Viện Y tế công quốc gia Wieler trên màn hình, sếp tôi nói: "Tình hình đang tốt lên, nhưng chưa có gì chắc chắn sẽ không xấu trở lại. Ta hy vọng điều tốt đẹp song luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất".
Hơn 11.000 nhân viên công ty chúng tôi đang ráo riết trở lại nhịp làm việc bình thường. Vừa khôi phục tiến độ dự án tại các châu lục, chúng tôi vừa sẵn sàng đối phó với làn sóng dịch Covid thứ hai có thể quay lại bất cứ khi nào. Ban điều hành công ty đã bàn bạc và thống nhất các biện pháp "đón lõng" như: tiếp tục hoàn thiện mô hình nhân viên làm việc tại nhà; bố trí lại văn phòng làm việc đảm bảo khoảng cách giãn tối thiểu; đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích áp dụng sáng kiến giúp xử lý công việc từ xa. Một việc tưởng chừng không thể không cử chuyên gia đến tận nơi, giám sát thi công lắp đặt thiết bị tại dự án đang thực hiện ở Hungary, cũng đã được công ty thử nghiệm thành công mô hình giám sát từ xa. Mô hình đang được nghiên cứu hoàn thiện để nhân rộng.
Tôi cảm nhận được ở đây, thị trấn nơi tôi sống cũng như thành phố Dortmund nơi tôi làm việc, ý thức của người dân với dịch bệnh cũng như sự tín nhiệm vào chính phủ rất cao. Điều này với riêng tôi còn có ý nghĩa khác. Tôi sống ở Đức với gia đình nhỏ của mình, nhưng gia đình lớn, gồm bố mẹ, họ hàng, bạn bè của tôi đang ở Việt Nam. Tôi cảm thấy thật may mắn vì mình có thể yên tâm với khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cả hai nước, thầm vui mừng khi hai chính phủ có những điểm chống dịch tương đồng.
Còn nhớ, buổi họp giao ban dự án vào tuần cuối tháng Ba của chúng tôi đã khá căng thẳng. Lần đầu tiên, chúng tôi không ngồi cùng nhau trong phòng họp lớn tại trụ sở công ty ở Dortmund, mà ngồi tại nhà mình, họp qua ứng dụng Mircosoft Teams, sau khi Thủ tướng Angela Merkel công bố giãn cách xã hội trên toàn nước Đức.
Công ty tôi trúng thầu dự án EPC xây dựng một tổ hợp hóa chất lớn ở thành phố Ain-Sokhna, Ai Cập. Tham gia thiết kế cho dự án là các văn phòng ở Đức, Ấn Độ, Ai Cập và Việt Nam, trong đó trụ sở chính ở Đức chịu trách nhiệm điều phối chung. Giọng vị giám đốc kỹ thuật dự án không giấu được vẻ lo lắng, "đảm bảo để dự án tiếp tục trong bối cảnh các nước đều đang vật lộn chống dịch là thách thức không nhỏ".
Hai văn phòng thiết kế của công ty ở Ấn Độ đặt tại thành phố Mumbai và Pune đã phải đóng cửa từ đầu tuần đó. Thời gian quá ngắn kể từ khi tuyên bố phong tỏa được đưa ra cho đến khi nó hiệu lực đã không cho phép doanh nghiệp kịp trở tay để bố trí cho nhân viên mang thiết bị về nhà làm việc. Tình hình đảm bảo tiến độ của văn phòng Cairo cũng không mấy khả quan, duy chỉ văn phòng Hà Nội sáng sủa hơn cả. Việt Nam lúc đó vẫn chưa bước vào giãn cách xã hội. Việc chính phủ duy trì số ca lây nhiễm thấp và hạn chế được ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã mang lại lợi thế cho những doanh nghiệp nước ngoài như công ty tôi. Đầu tiên là về mặt tâm lý. Trong khi tại nhiều quốc gia, các công ty phải vất vả lúng túng, chủ yếu do thiếu thời gian, để có giải pháp thích ứng với hành động khẩn cấp của chính phủ, thì tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể bình tĩnh đối phó. Lợi thế tiếp theo là uy tín với công ty mẹ nói riêng và đối tác nói chung. Khi văn phòng tại Ấn Độ phải đóng cửa tạm thời, chúng tôi đã rất vất vả để chuyển phần việc đang dang dở sang hai văn phòng ở Nga và Thái Lan. Trong khi đó, văn phòng Việt Nam vẫn giao bản vẽ đúng hẹn, giữ vững tiến độ. Cảm giác yên tâm về Việt Nam lan tỏa trong nhóm điều hành dự án ngồi ở Đức.
Mặc dù khác biệt về văn hóa, các biện pháp phòng chống dịch của Đức có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Việt Nam, với nguồn lực tuy hạn chế, đã thành công trong việc khoanh vùng dập dịch nhờ kiểm soát thông tin dịch tễ và cách ly tập trung. Đức cũng khá thành công trong việc khoanh vùng dịch nhờ đi đầu trong xét nghiệm đại trà. Người đứng đầu bộ Y tế và Viện Y tế công quốc gia Đức họp báo gần như hàng ngày để người dân luôn nhận được tin chính thức từ chính phủ và các nhà khoa học. Còn thủ tướng Đức, bà Merkel đã sử dụng cách thức hiếm khi dùng trong suốt 15 năm cầm quyền là lên truyền hình kêu gọi người dân đồng lòng.
Nhưng khi "kẻ phá rối" vẫn còn đâu đó ngoài kia thì chủ quan bây giờ là quá sớm, nếu không muốn nói sẽ gây đại họa. Nếu làn sóng thứ hai hay thứ ba của dịch bệnh tấn công chúng ta, liệu ta có thể tiếp tục thắng? Những gì xảy ra ở Singapore trong làn sóng dịch bệnh thứ hai là bài học ngay trước mắt.
Nền kinh tế và nhịp sống tại Việt Nam đang dần bình thường trở lại, nhưng không có nghĩa mọi thứ sẽ về quỹ đạo cũ. Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng Tư của quốc gia rất yếu. Sản xuất công nghiệp giảm 10,5 %. Một số nhà máy lắp ráp ô tô tạm đóng cửa và doanh số bán ô tô đã giảm hơn 28 % trong quý 1. Lĩnh vực sản xuất nói chung đã bị giảm 11,3 %, xuất khẩu hàng dệt may đã mất trên dưới 10 % và dự kiến sẽ giảm tiếp. Doanh số bán lẻ lần đầu tiên giảm mạnh tới 26 % so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chỉ số giá CPI bốn tháng đầu năm đã tăng 4,9 % so với cùng kỳ năm, vượt chỉ tiêu chính phủ đặt ra.
Thâm hụt ngân sách năm nay được Bộ Tài chính ước khoảng 5 % GDP. IMF ước tính tăng trưởng của Việt Năm chỉ ở 2,7 %, Ngân hàng Thế giới dự báo 4,9 %, GDP quý I đánh dấu mức thấp nhất trong 10 năm qua, ở 3,82 %. Chính phủ vừa đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2020 còn 4,5% thay vì 6,8% như ban đầu.
Các công ty niêm yết tại Việt Nam qua khảo sát ban đầu hầu hết đều hy vọng đại dịch toàn cầu sẽ ra đi vào tháng 6 song họ hiện đều đang phải áp dụng các biện pháp cắt giảm lương, giảm nhân viên, chi phí tiếp thị cũng như thương lượng giảm giá với nhà cung cấp. Dự báo của các tổ chức tài chính đang cho rằng Covid-19 sẽ đánh dấu mức thu nhập thấp nhất với hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế trong hai quý đầu năm.
Nếu kịch bản dịch bệnh được ngăn chặn vào giữa năm nay, ít nhất là tại Việt Nam, sự lạc quan có thể đến. Nhưng chúng ta không thể loại trừ trường hợp xấu nhất khi virus có thể trở lại vào mùa đông và kéo dài đến năm 2021. Đó là tin thực sự không vui với các lĩnh vực nhạy cảm nhất như hàng không, bán lẻ và khách sạn.
Trong bức tranh này, vũ khí quan trọng nhất để chống chọi những con sóng xấu có thể kéo đến, theo tôi là một chính phủ minh bạch. Minh bạch trong hành động hàng ngày, các tuyên bố, nhất quán trong chiến lược là cách gây dựng lòng tin và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giới kinh doanh. Đây cũng là cách để đối phó với những đe dọa khác của quốc gia nằm ở vị trí địa - chính trị đặc biệt như Việt Nam như thiên tai, các ý đồ xâm lấn từ bên ngoài.
Nguyễn Đình Quân