Họ chủ yếu mặc đồ đen, hô vang khẩu hiệu "Bình bịch, bình bịch", mô phỏng âm thanh mà họ nói là do "những kẻ ủng hộ nữ quyền xấu xí" tạo ra khi bước đi. "Những kẻ ghét đàn ông hãy cút đi", họ hét lên.
Phản ứng của những thanh niên này thường bị coi là hành vi cực đoan của một nhóm thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tâm lý bài nữ quyền tại Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội và chính trị, khi các nhà hoạt động nam nhắm đến bất cứ điều gì liên quan đến nữ quyền.
Họ từng buộc một trường đại học hủy bài giảng của một phụ nữ bị cáo buộc gieo rắc tâm lý thù ghét đàn ông, thậm chí chỉ trích cung thủ An San, người giành ba huy chương vàng cho đoàn thể thao Hàn Quốc tại Olympic Tokyo 2020, chỉ vì cô để tóc ngắn. Nhiều nam giới Hàn Quốc cho rằng kiểu tóc này nhằm thể hiện nữ quyền.
GS25, một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, từng bị đe dọa tẩy chay vào năm ngoái vì đăng tờ quảng cáo có hình ảnh nhón tay, với ngón cái và ngón trỏ gần chụm vào nhau, tương tự biểu tượng thường dùng để ám chỉ thứ gì đó nhỏ. Biểu tượng này bị nhiều đàn ông Hàn Quốc coi là chế nhạo kích thước bộ phận sinh dục của họ. Mọi doanh nghiệp đăng ảnh quảng cáo có hình các ngón tay kẹp vào vật nào đó, như thẻ tín dụng hay lon cà phê, đều bị quy là "khinh thường đàn ông".
Chính trị cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của làn sóng bài nữ quyền. Theo bình luận viên Choe Sang-hun của NY Times, Hàn Quốc đang xuất hiện xu hướng chính trị mới được thúc đẩy bởi những nam thanh niên giận dữ, sẵn sàng chống lại mọi đối tượng mà họ coi là phá hoại cơ hội của họ, trong đó các nhà nữ quyền là "kẻ thù số một".
"Chúng tôi không ghét phụ nữ, cũng không phản đối nâng cao quyền của họ, nhưng những người ủng hộ nữ quyền là vấn nạn của xã hội", Bae In-kyu, lãnh đạo 31 tuổi của nhóm Đàn ông Đoàn kết, một trong những nhóm bài nữ quyền hoạt động tích cực nhất Hàn Quốc, nêu quan điểm.
Nhóm của Bae đã dẫn dắt các cuộc tuần hành bài nữ quyền, đồng thời phát triển một kênh YouTube có khoảng 450.000 người đăng ký. Đối với các thành viên trong nhóm, nữ quyền đồng nghĩa với thù ghét đàn ông. Họ từng đưa ra phương châm: "Đấu tranh tới khi mọi nhà nữ quyền bị loại bỏ".
Tuy nhiên, phong trào bài nữ quyền sục sôi tại Hàn Quốc dường như khá vô lý, bởi đây là quốc gia ghi nhận chênh lệch về lương theo giới tính cao nhất trong số các nước giàu có, với mức lương cao hơn đáng kể cho nam giới. Bên cạnh đó, chưa đến 1/5 số nghị sĩ trong quốc hội Hàn Quốc là phụ nữ. Nữ giới cũng chỉ chiếm 5,2% số thành viên trong hội đồng quản trị các doanh nghiệp được niêm yết, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 28% ở Mỹ.
Mặc dù vậy, hầu hết nam thanh niên Hàn Quốc vẫn cho rằng nam giới, chứ không phải nữ giới tại nước này, mới là bên cảm thấy bị đe dọa và gạt ra ngoài lề xã hội. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 5/2021 với các nam thanh niên Hàn Quốc ngoài 20 tuổi, gần 79% cho biết họ là nạn nhân của tình trạng phân biệt giới tính nghiêm trọng.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cũng cho biết "phụ nữ" và "nữ quyền" là hai trong số những mục tiêu phổ biến nhất của các bình luận công kích trên mạng tại nước này. "Trong các cộng đồng chủ yếu là đàn ông trên mạng có một nền văn hóa miệt thị nữ giới. Họ mô tả các nhà nữ quyền là những người thù ghét đàn ông đến mức cực đoan và lan truyền mối lo ngại về nữ quyền", Kim Ju-hee, người tổ chức các cuộc biểu tình phản đối bài nữ quyền, cho biết.
Phản ứng dữ dội của các nam thanh niên Hàn Quốc không giống những thế hệ trước. Nhiều đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi thừa nhận họ được hưởng lợi từ nền văn hóa gia trưởng từng gạt phụ nữ ra ngoài lề xã hội.
Nhiều thập kỷ trước, khi Hàn Quốc còn nghèo khó và thiếu thốn từ thực phẩm đến tiền mặt, con trai trong các gia đình thường được ưu tiên đầu tư học hành. Trong một số gia đình, phụ nữ thậm chí không được phép dùng bữa cùng mâm với đàn ông. Hành vi phá thai vì giới tính cũng phổ biến.
Khi đất nước ngày càng thịnh vượng, tình trạng này dần biến mất. Các gia đình Hàn Quốc giờ đây đều cưng chiều con gái, sinh viên nữ trong các trường đại học nhiều hơn nam. Phụ nữ có thêm nhiều cơ hội làm việc trong chính phủ cũng như những nơi khác, mặc dù vẫn tồn tại một số rào cản đáng kể.
"Nam giới ngoài 20 tuổi đang cảm thấy bất mãn sâu sắc, tự coi mình là nạn nhân bị phân biệt đối xử ngược, phẫn nộ vì phải trả giá cho tình trạng phân biệt giới tính từ các thế hệ trước", Oh Jae-ho, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Gyeonggi của Hàn Quốc, cho biết.
Trong khi đàn ông lớn tuổi thường cho rằng phụ nữ cần được bảo vệ, giới trẻ lại coi họ là đối thủ cạnh tranh trên thị trường việc làm ngày càng khốc liệt. Những người bài nữ quyền thường lưu ý rằng đàn ông gặp bất lợi vì phải hoãn tìm việc hai năm để hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cũng bỏ việc sau khi sinh con và gánh phần lớn việc nhà.
Vấn đề giới tính còn ảnh hưởng sâu rộng tới chiến dịch tranh cử tổng thống Hàn Quốc, vốn được coi là cuộc cạnh tranh lấy lòng các cử tri trẻ tuổi. Phong trào bài nữ quyền dâng cao dường như là lý do không ứng viên tổng thống tiềm năng nào lên tiếng ủng hộ quyền phụ nữ, trong khi Tổng thống Moon Jae-in từng tự nhận mình là "người bảo vệ nữ quyền" khi vận động tranh cử 5 năm trước.
Yoon Suk-yeol, ứng viên tổng thống thuộc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) bảo thủ đối lập, đứng về phía phong trào bài nữ quyền khi cáo buộc Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc đối xử với đàn ông như "tội phạm tình dục tiềm ẩn". Ông cam kết sẽ thực thi hình phạt cứng rắn hơn đối với hành vi vu khống về tội xâm phạm tình dục, bất chấp lo ngại rằng điều này sẽ khiến phụ nữ không dám lên tiếng.
Mặc dù vậy, Yoon vẫn tuyển một lãnh đạo 31 tuổi nổi tiếng của một nhóm nữ quyền làm cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử, động thái dường như nhằm xoa dịu nỗi lo đảng PPP đang xa rời các cử tri nữ trẻ tuổi.
Tại một cuộc vận động nữ quyền gần đây, Bae In-kyu xuất hiện trong trang phục giống nhân vật Joker trong "Batman", cầm một khẩu súng đồ chơi chĩa vào những người ủng hộ nữ quyền và nói "tiêu diệt lũ ruồi".
Hàng chục nghìn người đã xem cảnh tượng này qua buổi phát trực tiếp trên mạng và gửi tiền quyên góp cho nhóm Đàn ông Đoàn kết. Trong một buổi trò chuyện trực tuyến hồi tháng 8/2021, Bae cũng huy động được 9 triệu won (7.580 USD) trong ba phút.
Nhiều người lo sợ sự trỗi dậy của phong trào bài nữ quyền có thể cản trở, hoặc thậm chí làm thụt lùi những tiến bộ của cuộc đấu tranh mở rộng quyền phụ nữ mà Hàn Quốc từng chật vật mới đạt được. Lee Hyo-lin, cựu thành viên một nhóm nhạc K-pop, cho biết giờ đây những phụ nữ cắt tóc ngắn hoặc cầm cuốn tiểu thuyết của một nhà văn nữ quyền cũng có nguy cơ bị tẩy chay.
Ở phía bên kia "chiến tuyến văn hóa", nỗi bất bình của các nam thanh niên không ngừng được khơi dậy trên những diễn đàn dành cho nam giới. Họ tập trung vào một số vụ đàn ông bị vu khống xâm hại phụ nữ để giải thích cho hành động của mình.
Son Sol-bin, một người bán đồ nội thất, từng bị bạn gái cũ tố cáo cưỡng bức và bắt cóc năm 2018, khiến anh hứng chịu làn sóng công kích dữ dội trên mạng xã hội và bị bắt vào tù. Tuy nhiên, mẹ của Son sau đó đã tìm được video từ camera giám sát cho thấy cáo buộc của cô gái không đúng sự thật.
"Ảnh hưởng của phong trào nữ quyền đã tạo ra hệ thống thiên vị đến mức cảnh sát chỉ cần lời khai và vài giọt nước mắt của một phụ nữ để tống người đàn ông vô tội vào tù. Tôi nghĩ đất nước này điên rồi", Son, người từng phải ngồi tù 8 tháng trước khi được minh oan, nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)