Nhiều người dùng mạng xã hội là nam giới cho rằng việc An San, nữ vận động viên đội tuyển bắn cung Hàn Quốc, lựa chọn để tóc ngắn, cho thấy cô là người theo đuổi chủ nghĩa nữ quyền. Một số người thậm chí yêu cầu cô xin lỗi, cho rằng cô đáng bị tước huy chương Olympic.
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới và là cường quốc hàng đầu về công nghệ, nhưng vẫn là xã hội nam quyền, xếp hạng thấp trong chỉ số bình đẳng giới. Những lời công kích An San xuất hiện sau khi phong trào chống nữ quyền dâng cao ở Hàn Quốc, với nhiều công ty bị cáo buộc ủng hộ "chủ nghĩa nữ quyền cực đoan" đối mặt với làn sóng tẩy chay của cánh đàn ông và phải công khai xin lỗi.
An, 20 tuổi, giành hai huy chương vàng Olympic môn bắn cung đồng đội nữ và đồng đội hỗn hợp. Cô đạt 680 điểm, đứng đầu vòng loại cá nhân nữ tại Thế vận hội Tokyo, phá vỡ kỷ lục Olympic từ năm 1996. Sau làn sóng chỉ trích An, nhiều phụ nữ đã bày tỏ ủng hộ cô hôm 29/7.
"Ngay cả khi giành huy chương vàng Olympic bằng thực lực bản thân, chừng nào nạn phân biệt giới tính còn tồn tại trong xã hội chúng ta, bạn vẫn bị xúc phạm, thậm chí bị người ta đòi tước huy chương chỉ vì để tóc ngắn", Jang hye-yeong, một nhà lập pháp nữ, bày tỏ trên Twitter.
"Chúng ta đang trải qua một ngày vô cùng kỳ lạ, khi mà môn bắn cung của Hàn Quốc đứng số một thế giới, nhưng phẩm giá quốc gia lại bị ném xuống đất vì phân biệt giới tính".
Ít nhất 6.000 bức ảnh chụp phụ nữ để tóc ngắn đã đăng lên các nền tảng mạng xã hội bày tỏ ủng hộ An. Trong số này có nữ diễn viên Koo Kye-sun và nhà lập pháp Ryu Ho-jeong, nghị sĩ trẻ nhất Hàn Quốc, người từng bị chỉ trích vì mặc váy ngắn tới quốc hội. Trang web của Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc tràn ngập hàng nghìn tin nhắn ủng hộ An.
Nhưng những người đàn ông sỉ nhục cô trên mạng xã hội tiếp tục cáo buộc An đã sử dụng các biểu cảm với giọng điệu khiêu khích, bài nam giới.
"Chúng tôi không huấn luyện và nuôi cô bằng tiền thuế để cô thực hiện những hành động thể hiện nữ quyền như thế", một người viết trên tài khoản Instagram của An.
Phụ nữ Hàn Quốc đạt được nhiều thành công trong các chiến dịch đòi quyền bình đẳng gần đây như đấu tranh hợp pháp hóa phá thai, phát triển phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo, chống video quay lén nơi công cộng bằng nhiều cuộc biểu tình vì quyền phụ nữ lớn nhất trong lịch sử đất nước.
Họ cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các tiêu chuẩn thẩm mỹ khắt khe ở đất nước qua chia sẻ video cắt tóc ngắn hay vứt bỏ mỹ phẩm. Tuy nhiên, những phong trào này cũng gây phản ứng dữ dội trong nước, khi chủ nghĩa nữ quyền bị coi là ích kỷ và bài xích nam giới.
Hồng Hạnh (Theo AFP)