Chia sẻ về câu chuyện "làm việc thế nào để thấy mình có ích mà vẫn không mệt mỏi?", nhiều độc giả VnExpress ủng hộ quan điểm làm thông minh hơn làm cật lực:
Tôi làm việc cho công ty Mỹ, giờ giấc rất thoải mái. Phần lớn tôi chỉ làm khoảng hai, ba tiếng mỗi ngày dù thời gian đến công ty là tám tiếng. Những giờ còn lại, tôi suy nghĩ xem nên làm việc như thế nào cho hiệu quả nhất? Nghĩa là tôi vẫn đảm bảo đủ tám tiếng mỗi ngày. Tôi không thấy mình vô ích, hãng tôi làm cũng chưa bao giờ hối thúc hay hỏi tôi sao làm nhanh hay chậm? Đơn giản, họ nhìn vào hiệu quả công việc. Nhiều khi tôi ngồi chơi, lướt web để đầu thanh thản cho việc tiếp theo. Có khi đang xem phim lại nảy ra ý tưởng mới cho công việc. Tóm lại, cần nhìn vào hiệu quả hơn là hành động có vẻ như nhàn rỗi.
Người ta có câu "làm việc thông minh chứ không phải là làm việc cật lực" (work smart not work hard). Có nghĩa là làm việc một cách khoa học thì thu thập kinh nghiệm, kiến thức vừa nhiều vừa nhẹ nhàng. Còn cắm đầu chạy việc thì stress và mệt mỏi cơ thể sẽ quật ngã bạn trước khi bạn thành công. Khi cơ thể quá mệt mỏi thì làm sao đầu óc đủ tỉnh táo để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Rốt cục, bạn sẽ nhận thất bại nhiều hơn thành công.
Nếu là quản lý, bạn cần dẫn dắt anh em nhân viên công ty làm việc sao cho hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của toàn thể mọi người. Nhân viên làm tốt thì người quản lý mới có kết quả tốt được, đừng cắm đầu vào tự làm. Không nhất thiết phải làm nhiều hay ít việc, mà quan trọng là hiệu suất công việc bạn đạt được là bao nhiêu? Hãy đầu tư nhiều vào những nhân viên của mình quản lý, họ sẽ ''đẻ'' cho bạn những quả trứng vàng.
Với tôi, làm việc khôn ngoan và hiệu quả luôn luôn được ưu tiên hơn là làm việc hết mình. Nói thật, tiền dẫu định nghĩa kiểu gì đi nữa vẫn chỉ là "giấy nợ", bất động sản có giá trị cũng chỉ là một "khoản nợ". Mọi khoản nợ sẽ chẳng thể thu hồi nếu như hệ thống trả nợ sụp đổ, hoặc bị người trả nợ quỵt nợ. Khi khủng hoảng hoặc có thiên tai địch họa... hệ thống sản xuất hàng hóa sụp đổ thì có tiền cũng không mua nổi đồ ăn, có bất động sản trăm tỷ cũng không thể bán tháo.
Các bạn tự hào vì tậu cho mình ngôi nhà trăm tỷ ở thành phố sao? Khi nông thôn, nông nghiệp bị sụp đổ thì các bạn có lấy gạch ra nấu cơm được không? Lúc đó có bán nhà giá một tỷ cũng chưa chắc có người mua. Người giàu thường làm ít mà được nhiều (thường thuê người khác làm). Còn làm việc chăm chỉ, hết mình chỉ là khi bạn chưa giàu hoặc không giàu nổi (làm thuê).
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.