"Lòng đường không biển cấm có thể đậu xe vì đường thuộc về quản lý của Nhà nước. Tức là không một gia đình tư nhân nào được tự cho mình cái quyền cấm ai đậu xe, hay trưng dụng phần đường trước mặt tiền của nhà mình làm của riêng. Nhưng ở phía ngược lại, người lái xe cũng không được phép đậu ôtô chắn trước cổng, chỗ ra vào nhà người khác, hay nơi lòng lề đường đã hạ thấp để xe đủ loại ra vào. Để xe ở đó, bạn sẽ sai luật và bị xe kéo đi cũng như tiền phạt liền.
Còn với riêng trường hợp người dân tự ý đặt biển cấm đậu xe trước cửa nhà mình (chỗ ra vào nhà) cũng là tự cho mình có quyền đứng trên luật pháp. Ở nước ngoài, những hành động như vậy sẽ bị phạt rất nặng, chẳng kém gì những người đậu xe vô ý thức trước cửa nhà bạn.
Khi nào bạn có việc dọn nhà, phải sửa chữa nhà hay làm gì đó cần đến nhiều khoảng không gian phía trước nhà mình, thì bạn phải đến văn phòng chính quyền thành phố, nói rõ lý do cá nhân. Sau đó, sẽ có nhân viên thành phố đến tận nơi, đặt bảng cấm đậu xe trong thời gian bạn đã xin phép, lâu nhất là hai ngày.
Ngoài ra, ở nước ngoài cũng có loại vạch kẻ màu xanh dưới lòng đường, để cho phép xe đậu có thời hạn, tối đa hai giờ. Tài xế dừng xe sẽ phải đặt một cái bảng nhỏ trong xe, ghi rõ thời gian đến và thời gian ước lượng sẽ đi. Rõ ràng, ở một đất nước mà con người có ý thức, văn minh, người ta sẽ biết phải hành xử ra sao để mọi người khi gặp nhau đều có thể nở nụ cười, trao cho nhau những lời chào hỏi, chứ không phải là những ngôn từ không lọt tai và những nắm đấm thù hận.
Tôi nhớ lại một câu chuyện vừa gặp thời gian trước, khi đó có một người đàn ông vô tình quét rác và lá cây vào chân người chạy bộ trên đường. Thế nhưng, ông ta không xin lỗi, thậm chí còn có những hành động thách thức khiến người chạy bộ kia tức giận, và lời qua tiếng lại. Lâu ngày oán hận càng tăng, kết quả là một người mất mạng còn người kia bị kết án nặng nhất. Tất cả những hậu quả đó đều bắt nguồn từ hai chữ 'văn minh'".
Đó là quan điểm của độc giả PXT xung quanh những tranh cãi về việc đỗ xe trước cửa nhà mặt tiền trong thời gian vừa qua. Nhiều chủ cửa hàng, căn hộ mặt tiền dựng biển cấm, rào chắn ngăn ôtô không đỗ trước cửa và nhận được cả sự đồng tình lẫn phản đối.
>> 'Đỗ ôtô chắn cửa nhà người khác nhưng nghĩ mình hiểu luật'
Nói về câu chuyện đỗ xe ở các nước phát triển, bạn đọc Khanhhoatrinh dẫn chứng: "Ở Mỹ, nhà ở phải có ít nhất một garage để được hai ôtô bên trong và lối vào garage phải đậu thêm được hai xe nữa. Ở chung cư, nếu có sức chứa 1.000 căn hộ thì toàn nhà phải thiết kế đủ chỗ cho ít nhất 1.200 chỗ đậu xe. Nhà hàng có sức chứa 120 khách cũng phải có tối thiểu 50 chỗ đậu xe. Club với sức chứa 300 khách cũng phải có tối thiểu 100 chỗ đậu xe. Các cửa hàng, cửa tiệm, phòng khám, dịch vụ... cũng vậy.
Tóm lại, tùy theo diện tích sử dụng mà chính quyền địa phương sẽ quy định số chỗ đậu xe tối thiểu phải có trong thiết kế. Nếu không có đủ chỗ đậu xe thì người ta sẽ không được cấp giấy phép hoạt động. Vì vậy mà không ai phải tranh giành lề đường, chỗ đâu xe, lối ra vào cả.
Nhìn sang chung cư tôi đang ở trong nước, Ban quản lý tòa nhà thu phí đậu ôtô 700.000 đồng một tháng. Nhưng cũng có nhiều cư dân không chịu trả phí để đậu xe bên trong hầm. Thay vào đó, họ cứ đậu ở lề đường, gần cổng ra vào. Cả lối vào chuyên dụng dành cho PCCC cũng bị họ đậu xe bịt kín. Như vậy chẳng trách mà chuyện tranh giành chỗ đậu xe cứ tiếp diễn mãi mà không có hồi kết".
Nhấn mạnh sự cần thiết vào cuộc của cơ quan quản lý để lập lại trật tự giao thông, ngăn tình trạng ẩu đả vì giành chỗ đậu xe, độc giả Lamtan bình luận: "Vấn đề mấu chốt là cần có sự quản lý của cơ quan chức năng ngay từ khâu đào tạo lái xe cho đến hệ thống biển báo trong khu dân cư. Không thể để tình trạng người có bằng lái nhưng đi, dừng, đậu... xe tùy hứng, thô lỗ, bất chấp luật lệ.
Muốn vậy, thầy dạy lái xe phải có kiến thức về văn hóa, lối sống gương mẫu, chứ không chỉ cần chuyên môn về lái xe hay chỉ dạy cho học viên những thủ thuật, những mẹo để có bằng nhanh nhất, rồi thả học viên ra đường.
Về hệ thống biển báo, cơ quan chức năng địa phương cũng nên nghiên cứu, cắm biển báo ở khu vực dân cư sao cho phù hợp, rõ ràng về việc đậu xe. Bên cạnh đó, quy định về xây dựng cũng phải chặt chẽ hơn, không cho xây nhà sát mép đường, phải chừa lại vỉa hè cho người đi bộ. Không thế để người dân ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè nhưng lại quay qua đôi co với tài xế đỗ xe chắn hết lối ra vào.
Không chấn chỉnh một cách toàn diện, vẫn sẽ có nhiều người ngô khoai trộn lẫn".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.