Tôi có anh bạn làm giám đốc sản xuất cho một tập đoàn sản xuất đồ uống tư nhân lớn ở Việt Nam. Thỉnh thoảng anh ta thường gọi điện tán gẫu với tôi và hay mời nhau đi cà phê
Tôi hay thắc mắc: Người ta làm giám đốc sản xuất thường việc nhiều sao thấy anh rảnh rỗi vậy? Anh cười nói: Người làm lãnh đạo giỏi phải là người ít việc nhất. Tôi làm việc nhàn là nhờ giỏi Văn.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh kể ngày mới tốt nghiệp kỹ sư điện, kinh nghiệm kiến thức không có, quen biết cũng không. Khi xin vào công ty này làm việc, ngày đầu tiên ông giám đốc sản xuất hỏi em biết làm những gì? Anh nói chưa có kinh nghiệm gì cả, anh bảo em làm gì thì làm việc đó.
Ông giám đốc bảo xuống phòng kỹ thuật cơ điện người ta bố trí việc.
Anh trưởng phòng cơ điện giao đi phụ việc sửa chữa điện, rồi việc linh tinh như móc cầu sửa cống, leo trèo lên cao phụ sửa mái nhà xưởng nắng mưa nguy hiểm mà không có thiết bị hỗ trợ... Tôi thắc mắc kỹ sư điện sao lại sai việc linh tinh, anh trưởng phòng nói: Sếp nói cái gì trong công ty này hư hỏng là phòng bảo trì kỹ thuật phải làm tất.
Lúc đó anh nghĩ: "Bốn năm năm trời ăn học khổ sở, ba mẹ ở quê nhà mong con ra trường được làm việc gì đó cho rạng rỡ dòng họ. Cả họ có một vài người như mình, mọi người trông mong mình thành đạt để còn giúp anh em họ hàng giờ lại đi làm việc vặt, nguy hiểm.
Hơn nữa mình không có sức khỏe, vì bị một số bệnh mạn tính nên mới cố gắng học chọn ngành kỹ thuật để đỡ phải làm việc tay chân. Mình không có kinh nghiệm giờ mà có đi công ty khác thì chắc cũng vậy thôi".
>> 'Tuổi 35 mà chưa làm sếp, cần xem lại năng lực bản thân'
Nghĩ rồi anh đánh bài câu giờ tìm hướng giải quyết. Anh tìm giám đốc nói: "Anh cho em làm thử việc không lương một tháng bên sản xuất của công ty rồi em xin qua làm công nhân vận hành máy luôn cũng được. Em thấy em không đủ sức khỏe để làm ở phòng kỹ thuật bảo trì. Sau một tháng nếu không phù hợp thì em xin nghỉ. Hay anh cứ cho em nghỉ vì đang thử việc mà". Ông giám đốc cũng đồng ý chắc do lỡ nhận rồi, bên sản xuất cũng thiếu người vận hành thiết bị.
Sau một tháng làm việc tìm hiểu, ghi chép qui trình sản xuất, quy trình làm việc máy thiết bị, đại để nắm rõ nhà máy trong lòng bàn tay. Anh làm đề án cải thiện một số công đoạn quy trình sản xuất từ quá trình quan sát nhận định của mình và cả lấy ý kiến từ những công nhân có tay nghề cao. Nhiều anh có ý kiến sáng kiến rất hay mà không nói ra hay không có cơ hội nói, hoặc không biết cách đề đạt, hoặc làm đề án, cũng chẳng biết gởi cho ai.
Rồi làm thêm một đề án cải thiện môi trường lao động cho công nhân, nhờ trước đây anh có đi học các khóa ngắn hạn về cải tiến, 5S, nghiệp vụ an toàn nhà máy. Các đề án này được viết cả bằng tiếng tiếng Anh (sếp nước ngoài) và tiếng Việt gởi cho các sếp tổng công ty. Lúc đó anh mới ra trường, tiếng Anh còn lõm bõm phải thuê người dịch hộ. Rồi dần dần học thêm trong quá trình làm việc.
Tối rảnh, anh tranh thủ đi học thêm các lớp ngắn hạn dành cho cấp quản lý.
Thật bất ngờ lãnh đạo cấp trên rất chú ý các đề án này và gặp gỡ trao đổi để đề bạt làm trợ lý giám đốc coi sóc mảng kỹ thuật sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà máy...
Thường để biết nội tình, sức khỏe của đơn vị như thế nào chỉ cần hỏi những người như thư ký, lái xe, bảo vệ, lao công..., sẽ biết được những góc khuất của công ty. Qua trò chuyện với các đối tượng trên, anh biết được nhà máy này đã thay đổi ba lần giám đốc vì không đảm bảo các chỉ tiêu của cấp trên đưa ra hoặc do cấp dưới tố, phá lật thuyền...
Nguyên nhân chính là các ông tiền nhiệm, ông nào cũng muốn tâng công với ông chủ. Khi điều hành thường cắt bỏ tối đa các chi phí, cắt bỏ việc cải tiến thiết bị, giảm trang bị các phương tiện dụng cụ an toàn, cắt giảm chi phí đào tạo nâng cao nghiệp vụ người lao động kỹ thuật...
Vì giám đốc được đề nghị lên trên và quyết định mức lương của nhân viên mình quản lý. Đa phần các cựu giám đốc thường muốn giảm lương của nhân viên ở mức thấp nhất, nhằm làm sao cho tổng chi phí của đơn vị nhỏ nhất nhưng sản lượng, chất lương doanh thu thì lại muốn đạt cao nhất.
Và ông giám đốc hiện tại cũng không ngoại lệ dẫn đến công nhân viên, ai thiện chí gắn bó lắm là làm việc tròn vai rất ít ai muốn cống hiến, sáng tạo, hết mình với đơn vị. Hơn nữa chế độ không công bằng minh bạch, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, cực khổ, mất an toàn, cơm ăn nước uống kém mất vệ sinh... làm cán bộ công nhân viên oán thán, dẫn đến sản lượng phế phẩm nhiều, năng suất không đạt.
Vì lợi ích nhóm, bè cánh trong nhà máy xuất hiện đấu tố nhau. Quan trọng nhất là ông giám đốc nào cũng cho mình là giỏi nên những lời hay sáng kiến tốt từ anh em công nhân không lọt vào tai. Bởi thế ai may lắm thì trụ được một hai năm là cũng bị hất đi.
>> 'Khủng hoảng nghề nghiệp vì cái gì cũng biết' - bạn nên phấn đấu làm sếp
Rồi không ngoài dự đoán, ông giám đốc sản xuất đương nhiệm cũng ra đi sau sáu tháng vì cách điều hành tương tự. Anh bạn tôi được đề bạt lên làm giám đốc nhà máy. Các chính sách cũ của nhà máy, anh đổi hết 180 độ. Điều kiện ăn ở làm việc tại nhà máy được cải thiện.
Thay đổi cải tiến một số quy trình công nghệ theo sáng kiến của anh em đề xuất làm năng suất chất lượng tăng cao. Quan trọng nhất là tiền lương của tất cả được đề xuất kịch khung theo qui định của công ty.
Anh kêu từng người lên hỏi mong muốn mức lương bao nhiêu. Ví dụ mong lương 10 triệu đồng, anh đề xuất công ty trả 15 triệu nhưng phải làm việc hiệu quả hết mình, minh bạch, phối hợp tốt với đồng nghiệp. Lương anh khi đó còn thấp hơn lương của các anh em kỹ thuật giỏi, kỹ thuật trưởng, hoặc trưởng phòng, phó giám đốc. Mọi người lương kín theo quy định còn anh công khai lương cho họ biết luôn.
Anh chia sẻ đi làm, gặp đồng nghiệp là niềm vui. Anh không quan trọng lương cao thấp hơn họ. Anh có những nhu cầu mục tiêu khác ngoài tiền: sức khỏe, viết lách, giao lưu. Ai muốn thay làm giám đốc cứ lên đây đề xuất, anh sẽ đi nơi khác. Vì thế họ bảo vệ anh. Nhiều lần sếp trên cự nự anh những việc không chính xác là công nhân kịch liệt bảo vệ.
Mỗi ngày anh vào nhà máy làm việc có một hai tiếng để giải quyết những công việc hệ trọng. Sáng vào là có mấy anh em quý mến chuẩn bị sẵn trà, cà phê nhâm nhi làm việc, chứ anh cũng chẳng cần màu mè phải có trợ lý, thư ký.
Thời gian còn lại anh ra ngoài chơi cà phê gặp bạn bè đối tác, hoặc đọc sách đủ loại, viết sách. Anh viết cả sách để cải thiện công nghệ, kỹ thuận chế biến mà nhà máy đang sản xuất. Vì thế các sếp rất nể, họ mặc kệ anh muốn làm gì thì làm miễn năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và an toàn của công ty đảm bảo là được. Thậm chí họp hành, trả lời mail, báo cáo cấp trên anh cũng để cho anh em phòng ban làm thay trả lời cho cấp trên rồi CC cho mình biết.
Sau này, khi quen cách làm việc rồi thì mật khẩu mail công vụ của anh cũng công khai luôn, để anh em nhận mail xử lý công việc của cấp trên giao, đỡ phải họp hành phân công. Ai có đề xuất hay khiếu nại tố cáo gì cứ gặp trực tiếp, anh đích thân tháo gỡ, việc làm dân chủ này làm cho các cán bộ cấp trung không dám khuất tất hay chèn ép cấp dưới, kể từ đó sau một năm là nhà máy đi vào quy củ.
>> Bài viết cùng tác giả: 'Chim sổ lồng' khi lập nghiệp ở Bình Dương
Trước đây anh bạn tôi luôn nghĩ rằng chỉ nên trang bị kiến thức kỹ thuật là sẽ có tương lai xán lạn. Giờ làm lãnh đạo mới thấy: Nếu đúng là chỉ làm kỹ thuật đơn thuần thì nên đào sâu nghiên cứu thật giỏi về chuyên môn còn nếu muốn làm lãnh đạo thì không cần biết sâu lĩnh vực chuyên môn mà phải cần biết rộng và nhất là càng làm lãnh đạo cao cấp thì càng phải giỏi văn, giỏi sử, giỏi thống kế, giỏi triết học...
Nếu lúc đó anh không dùng văn lập đề án, làm quy trình, làm thống kê các số liệu, phân tích, lời văn thuyết phục lãnh đạo đồng ý với đề án của mình, không tìm hiểu lịch sử ngành nghề, lịch sử công ty... thì giờ chắc còn làm nhân viên kỹ thuật dài dài. Dĩ nhiên là kiến thức kỹ thuật của mình làm cho các lập luận chặt chẽ hơn, logic hơn.
Tôi nghĩ câu chuyện trên sẽ giúp ích cho các bạn trẻ có cái nhìn xã hội tổng quan hơn trên con đường khởi nghiệp. Có nhiều con đường dẫn đến thành công. Có khi giỏi văn mà thành lãnh đạo nhàn.
Dương Bình Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.