Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia Viện Nghiên Cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, chia sẻ: Nếu bạn là F0 được hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc đang trong thời gian chờ hướng dẫn từ cơ quan y tế chưa đến bệnh viện thì cần ghi nhớ những điều sau.
Đầu tiên, cần ghi lại ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng. Bác sĩ Thu Anh lưu ý, một số bệnh nhân vẫn cảm thấy khỏe mạnh dù nồng độ oxy trong máu giảm nhiều. Ngày thứ 5 đến 11 sau khi xuất hiện triệu chứng là thời điểm dễ bị chuyển nặng nên cần theo dõi sát.
Tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa sổ để tăng thông gió, luôn đeo khẩu trang. Uống nhiều nước, uống oresol để bù nước. Tập thể dục nhẹ nhàng. Xem các chương trình giải trí, thư giãn.
"Khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi, có thể nằm nghiêng hoặc nằm sấp nếu tư thế này làm cho bạn thấy dễ chịu", bác sĩ Thu Anh khuyên.
Ngoài ra nên đo nhịp thở bằng cách đặt bàn tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong một phút. Nếu số lần lồng ngực nhô lên nhiều hơn 24 lần thì cần liên hệ nhân viên y tế hoặc hotline để được hỗ trợ đưa đến bệnh viện.
Đối với các F0 cách ly tại nhà, nên trang bị thiết bị kiểm tra độ bão hòa oxy. Sử dụng bằng cách kẹp ngón tay để đo độ bão hòa oxy ít nhất 3-4 lần mỗi ngày.
Nếu có dấu hiệu sốt trên 38,5 độ C thì cần uống paracetamol. Đối với người lớn nặng dưới 70 kg có thể uống 1-1,5 viên 500 mg/lần. Với người trên 70 kg uống 2 viên 500 mg/lần. Ngày uống 3-4 lần, cách tối thiểu 4-6 giờ mỗi lần, không quá 4 lần/ngày.
Với trẻ em, lượng uống 10-15 mg trên mỗi kg trong một lần uống, cách 4-6 giờ mỗi lần, không quá 4 lần một ngày. Liều tối đa tính theo cân nặng không được vượt quá 500 mg một lần.
"Với liều lượng trên thì không dùng cùng các thuốc cảm cúm khác có chứa paracetamol hoặc acetaminophen. Người có tiền sử dị ứng với paracetamol hoặc đang bị viêm gan không nên dùng, cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế", bác sĩ Thu Anh chia sẻ.
Theo bác sĩ Thu Anh, trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có 9 dấu hiệu sau cần gọi cấp cứu đưa ngay đến bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện gần nhất.
Các dấu hiệu cần chú ý gồm: độ bão hòa oxy trong máu dưới 94%, nhịp thở nhiều hơn 24 lần mỗi phút; đau ngực, cảm giác thắt ngực, khó thở khi vận động; không thể nói đầy đủ câu, bị lẫn lộn về thời gian và địa điểm, da xanh, môi nhợt; không tự đi, không tự cầm nắm, ăn uống được hoặc lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng nhấn mạnh, F0 cách ly tại nhà cần tuân thủ 5K và tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ăn sạch, uống sạch, uống nước đầy đủ, ăn uống đa dạng chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin khoáng chất từ rau củ trái cây tươi, ngủ nghỉ vận động hợp lý.
"Phải đảm bảo ăn sạch, uống sạch để tránh tác nhân gây bệnh khác sẽ làm cho tình hình bệnh phức tạp hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Người nhà khi tiếp tế phải giữ khoảng cách và cả hai mang khẩu trang, tấm che giọt bắn. Ngoài ra, nhà vệ sinh cần giữ sạch sẽ vì nơi đây có thể là tác nhân gây bệnh khác. Mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch khi ra khỏi khu vực này.
Với các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như kệ bàn tủ, tay nắm cửa cần lau kỹ bằng dung dịch tẩy trùng. Khi có triệu chứng khó chịu, người bệnh cần bình tĩnh báo cho nhân viên y tế.
Hiện, TP HCM cho cách ly F1 và thí điểm cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà nếu đảm bảo các điều kiện của Bộ Y tế. Theo đó, F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp), sẽ chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.
Các F0 này phải tự theo dõi sức khỏe, báo cáo cơ quan y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc sẽ giám sát ca bệnh.
Lê Cầm