Ông Bình, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực (ICU) Bệnh viện Covid-19 Trưng Vương, quận 10, đã 3 tuần chưa về nhà. Bệnh viện vừa được chuyển đổi công năng từ Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, hồi tháng 6, khi số ca nhiễm tại TP HCM liên tục tăng cao. Nơi đây đang điều trị khoảng 700 ca, trong đó có hơn 90 bệnh nhân nặng.
Theo quy định của Bộ Y tế, tiêu chuẩn của khu vực ICU là một bác sĩ chăm sóc 2 bệnh nhân. Nhưng dịch bệnh bùng phát như hiện nay, một bác sĩ trung bình chăm sóc cả chục bệnh nhân. Riêng tại Khoa ICU lúc này đang có 20 người phải thở máy. "Số bệnh nhân quá đông. Người này cai máy thở thành công, chuyển ra phòng thường rồi bệnh nhân khác lại vào", bác sĩ Bình nói.
Tại bệnh viện dã chiến được dựng lên từ khu tái định cư thuộc phường Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) và hàng trăm nhân viên y tế cũng đang căng mình tiếp nhận bệnh nhân. Họ được điều động từ các bệnh viện trong thành phố đến đây, phụ trách thu dung nhóm bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng. Chỉ trong 4 ngày hoạt động, đến tối 12/7, nơi này đã tiếp nhận hơn 1.800 bệnh nhân. "Xe cấp cứu đưa F0 (người nhiễm) đến nhập viện đậu hàng dài, tiếng còi xe dồn dập, tiếng loa điều động... suốt cả ngày lẫn đêm", bác sĩ Phương mô tả.
TP HCM nhiều ngày liên tiếp đang ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm. Riêng ngày 13/7, 1.797 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư lên 16.573. Thành phố hiện có 19 bệnh viện dã chiến đã hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. 24 bệnh viện này có công suất 44.890 giường, điều trị cho hơn 16.000 bệnh nhân. Trung bình, mỗi bác sĩ phục vụ hơn 90 bệnh nhân. "Kinh khủng hơn rất nhiều so với lần tôi đi chống dịch lần trước", một bác sĩ nói và cho biết mọi người phải chia ca làm việc xuyên đêm khi hàng trăm F0 liên tục nhập viện.
"Áp lực của ngành y tế rất lớn", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam, nói. Các bệnh viện điều trị Covid-19 đang quá tải, lực lượng y tế tại chỗ không đủ đáp ứng thực tế. Trung bình 1.000 giường bệnh cần khoảng 200 nhân viên y tế.
Thành phố đang huy động 12.492 người cho cả ba mũi chiến lược gồm điều tra truy vết trong cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện. Trong đó, hơn 36% là nhân lực điều trị, 53% tham gia lấy mẫu xét nghiệm, còn lại là nhân viên phục vụ điều tra truy vết.
Hiện, lực lượng chính là y bác sĩ từ các đơn vị của thành phố, các bệnh viện trung ương trên địa bàn là 2.014 người. Thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ nhân lực từ lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên.
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, thành phố cần thêm khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng, kỹ thuật viên để bổ sung cho khối điều trị theo hai đợt luân phiên nhau. Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến sẽ tham gia công tác chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 có triệu chứng, các trung tâm chuyên hồi sức chuyên sâu bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Trả lời VnExpress, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong tuần này, Bộ Y tế huy động 3.360 nhân viên bệnh viện trung ương; 3.500 cán bộ, sinh viên các trường y tế trên cả nước chi viện TP HCM. Số nhân sự này được điều động theo đề nghị của lãnh đạo TP HCM và nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế là huy động 10.000 người.
Cụ thể, với yêu cầu nhân lực y tế hỗ trợ cho các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế sẽ huy động tổng lực đáp ứng nhu cầu của thành phố và chậm nhất đến ngày 16/7 sẽ đảm bảo quân số gồm 400 bác sĩ, 600 điều dưỡng, và có thể viện trợ thêm. 500 nhân sự phục vụ công tác điều tra truy vết hiện đã điều động từ giảng viên, sinh viên trường y.
Đối với yêu cầu hỗ trợ 200 bác sĩ cùng 800-1.000 điều dưỡng hồi sức chuyên sâu để điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã làm việc với các bệnh viện Trung ương trên cả nước và nhanh chóng hỗ trợ thành phố.
Bộ cũng đã huy động 26 lãnh đạo các Vụ, Cục tham gia điều phối nhân sự và phối hợp cùng các quận huyện TP HCM triển khai phòng chống dịch.
TP HCM có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sau lệnh giãn cách đến ngày 23/7, thậm chí tính tới kịch bản xấu nhất nếu chưa kiểm soát được Covid-19. Nhu cầu nhân lực y tế chắc chắn gia tăng khi số bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình cho biết, điều may mắn với ông lúc này là chưa phải đứng trước quyết định "đặt máy thở cho ai, ưu tiên phương tiện cấp cứu cho người nào, xem xét bệnh nhân nào có cơ hội sống sót và lựa chọn cứu họ"... như ở một số nước trên thế giới.