Thứ năm, 12/12/2024
Thứ tư, 14/7/2021, 09:59 (GMT+7)

Mướt mồ hôi trong bệnh viện dã chiến hơn 3.000 F0

TP HCMHơn 200 nhân viên y tế, dân quân... làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 6 ở thành phố Thủ Đức, hàng ngày phát cơm, chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt, kiểm tra sức khỏe, điều trị hơn 3.000 bệnh nhân Covid (F0).

Bệnh viện dã chiến số 6 ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, là một trong 11 bệnh viện dã chiến được TP HCM trưng dụng từ khu tái định cư để tiếp nhận và điều trị các ca Covid-19. Sau ba ngày hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận 3.400 F0.

Tại bệnh viện, hàng ngày đội ngũ y bác sĩ mặc đồ bảo hộ, kiểm tra trang thiết bị cần thiết như các loại giấy tờ, thuốc, vật dụng cá nhân... để bắt đầu công việc một ngày.

Một số đồ dùng sinh hoạt của người thân gửi các F0 được nhân viên bệnh viện tiếp nhận. Những đồ này được quấn bằng nhiều lớp nilon để bảo đảm an toàn phòng dịch.

Bên trong bệnh viện, các nhân viên y tế chuẩn bị mền, gối khi các F0 nhập viện.

"Ngoài vấn đề dinh dưỡng như ăn uống đủ chất, bệnh nhân Covid cần được chăm sóc giấc ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ mới nhanh khỏi bệnh", một điều dưỡng tên Hiền cho biết.

Ngày 3 lần, nhân viên y tế và dân quân tự vệ vận chuyển gần 10.000 suất cơm cho các F0. Mỗi phần cơm gồm các món kho, xào, canh và trái cây tráng miệng, đảm bảo dinh dưỡng.

Một dân quân tranh thủ nằm nghỉ sau hơn một giờ phát cơm cho hàng nghìn F0. Tại bệnh viện dã chiến số 6, có 100 dân quân tự vệ của Ban chỉ huy quân sự quận Tân Phú và huyện Củ Chi được điều động để vận chuyển hàng hóa, giao cơm, nước uống cho các F0 hàng ngày.

Trong ngày, các bác sĩ kiểm tra sức khỏe F0 một lần. Những bệnh nhân khi phát hiện các triệu chứng như ho, sốt cao, khó thở... sẽ gọi cho nhân viên y tế thông qua số điện thoại đường dây nóng.

Cầm trên tay lọ nước rửa tay, thiết bị đo thân nhiệt và thuốc, bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư, từ Bệnh viện Phục hồi Chức Năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, được điều phối sang bệnh viện dã chiến, gõ cửa từng phòng bệnh nhân.

Bác sĩ Thư yêu cầu F0 mở hé cửa phòng và đứng giữ khoảng cách. Sau khi thăm khám, trao đổi về tình trạng sức khỏe, F0 đứng bên trong với tay ra ngoài để được xịt nước sát khuẩn. Mỗi động tác đều cẩn thận và chính xác để tránh lây nhiễm.

"Bệnh nhân đông, nhân viên y tế mỏng nên tôi mong người bệnh thông cảm. Ở đây, bệnh nhân nào chúng tôi cũng thương hết, hiểu rõ và thông cảm sự khó chịu của mọi người khi phải đi khu điều trị và cố gắng giải quyết tối đa nhu cầu cơ bản", bác sĩ Anh Thư nói.

Xong việc thăm khám, nhân viên y tế được đồng nghiệp phun khử khuẩn để tránh nguy cơ làm lây nhiễm.

Bác sĩ Thư ướt đẫm mồ hôi sau khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ. Cô cho biết có lúc phải mặc bảo hộ liên tục 6-7 giờ liền, đói khát không dám ăn uống vì đang tiếp nhận F0.

"Những ngày này, bệnh viện chính là nhà và bệnh nhân chính là người thân của chúng tôi. Dù khó khăn vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ sức khỏe cho họ cũng như cho chính mình", nữ bác sĩ nói.

Nhân viên bệnh viện kiểm tra lại danh sách các F0 đang điều trị để phân chia ca trực và thăm khám.

TP HCMM đã lập tổng cộng 11 bệnh viện dã chiến tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và quận 12, với tổng hơn 30.000 giường, tiếp nhận các trường hợp mới mắc hoặc đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ.

Ngoài ra, thành phố có 5.000 giường của các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, trong đó một số bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân nặng.

Tính đến sáng 14/7, tổng số ca nhiễm tại TP HCM là 17.239.

Các bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.

Hữu Khoa