Tốt nghiệp cấp ba ở Việt Nam, Nguyễn Viết Đức Minh sang Canada du học tại Simon Fraser University, thành phố Vancouver. Không có kế hoạch từ trước, nên vào năm lớp 12, Minh mới bắt đầu học và luyện thi IELTS, với mục tiêu đạt 5.5 theo yêu cầu của trường.
Thiếu thời gian để học bài bản, nam sinh chọn cách học kèm 1-1 và được giáo viên tập trung luyện mẹo làm bài nhằm lấy chứng chỉ tiếng Anh.
IELTS là hệ thống đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế, được phát triển từ năm 1980 và đưa vào sử dụng từ 1989. Theo Hội đồng Anh, chứng chỉ này được công nhận bởi hơn 11.000 tổ chức tại trên 140 quốc gia. Ở Việt Nam, hệ thống đánh giá này được áp dụng lần đầu vào năm 1994 cho những ứng viên của học bổng chính phủ Anh Chevening.
Sau vài tháng ôn, Minh thi hai lần, đạt lần lượt 5.5 và 6.0. Nhưng khi đến Canada, cậu không sử dụng được. Ngoài môn chuyên ngành về phần mềm máy tính nghe được bập bõm, Minh hầu như không hiểu giáo viên nói gì. Nam sinh từng phải hoãn học môn tội phạm học sau một tuần vì quá nhiều từ khó.
Thầy Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Lamaster, nguyên Phó khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Đại học Hà Nội - gặp nhiều học sinh bị thúc ép về thời gian và điểm số như Minh. Các em buộc phải theo các khóa tăng cường - nơi giáo viên luyện thi áp dụng nhiều tips (mẹo) chủ yếu để học sinh đạt được band điểm yêu cầu.
Theo thầy Lâm, tình trạng lạm dụng mẹo trong luyện thi IELTS diễn ra khá phổ biến tại các trung tâm đào tạo ở Việt Nam. Các chiến thuật thường được đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân của từng giáo viên.
Đồng tình với chia sẻ của thầy Lâm, thầy Vĩnh Huy, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Tiến Bộ, TP HCM, cho biết trong bốn phần thi IELTS, phần nào cũng có thể dùng tips.
"Tips hay mẹo chính là chiến thuật giải đề", thạc sĩ Vĩnh Huy nói, cho biết giáo viên thường trang bị các chiến thuật làm bài thi, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức.
Chiến thuật áp dụng chủ yếu ở bài đọc hiểu. Thay vì đọc hiểu cả bài để nắm thông tin, trả lời các câu hỏi, người dạy sẽ hướng dẫn các em cách rà từ khóa. Ví dụ, ở dạng câu hỏi xác định True/False/Not Given, thí sinh thường phân vân giữa False và Not Given. Các em được hướng dẫn chỉ cần tìm chi tiết và các từ khoá (key words) để biết thông tin đưa ra có trong bài hay không. Nếu thông tin sai lệch với các dữ kiện có sẵn, đáp án sẽ là False, nếu không được nhắc tới, sẽ là Not Given.
Trong khi đó, với dạng bài chọn tiêu đề (Matching headings), học sinh được hướng dẫn đọc lướt các đoạn để tìm ra ý chính nằm ở đâu (ở đầu, ở giữa hay cuối đoạn) để tiết kiệm thời gian thay vì đọc tỉ mỉ từng câu của đoạn. Đồng thời gạch chân được những từ khóa (keywords) quan trọng trong mỗi Headings và trong mỗi đoạn, từ đó sẽ nhanh chóng tìm ra điểm chung để kết nối (matching).
Theo các chuyên gia, cách làm bài theo mẹo như thế luôn phát huy hiệu quả, nhưng cuối cùng, học sinh không rèn luyện được kỹ năng đọc hiểu.
Ở kỹ năng Viết hoặc Nói, dựa trên việc quan sát chu kỳ lặp lại của các dạng đề thi, những giáo viên dạy IELTS lâu năm cũng có thể giúp các em học tủ, nhờ việc đoán các chủ đề, dựa vào tính thời sự xã hội ở thời điểm thi.
Việc áp dụng chiến thuật làm bài giải quyết được mục tiêu ngắn hạn là đạt điểm IETLS mong muốn, nhất là đối với những em cần để đi du học. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, với những học viên có nền tảng tiếng Anh yếu, thậm chí mất gốc, cách học theo công thức khiến họ lơ là kiến thức nền tảng. Nhiều em sau khi có chứng chỉ không thể áp dụng trong cuộc sống.
"Không chắc kiến thức, lúc đối diện với môi trường tiếng Anh thực tế như du học hoặc trong công việc, họ sẽ không có khả năng hiểu được và ứng phó", thầy Vĩnh Huy phân tích.
Người học được khuyên cần trang bị có nền tảng kiến thức về văn phạm và từ vựng vững chắc trước khi thật sự bước vào luyện IELTS. Thời điểm thích hợp để bắt đầu học IELTS cho học sinh là từ lớp 8-9.
"Được xây dựng nền tảng chắc chắn ngay từ thời điểm này, lên cấp ba, các em có thể thi IELTS một cách nhẹ nhàng", thầy Lâm chia sẻ.
"Đạt 6.0 nhưng điểm số ấy có được phần lớn nhờ áp dụng công thức và mẹo, không phải vốn tiếng Anh em có. Khi sang đây, từ vựng nhiều nhất của em là về loài vật", Minh nhớ lại.
Sau khi nhận ra tác hại của việc "đốt cháy giai đoạn", học theo chiến thuật, Minh đã âm thầm tự cải thiện tiếng Anh bằng cách xem phim và đọc truyện tranh. Tiếng Anh của Minh sau đó có tiến bộ rõ rệt. Em tận dụng các cơ hội giao lưu với bạn bè để luyện nghe nói nhiều hơn. Kết quả học tập của em cũng từ đó cải thiện.
"Không ít người bạn của em đã phải về nước vì không thích nghi được, dù đạt band điểm IELTS cao. Em may mắn khi đã vượt qua được khó khăn về ngôn ngữ và giờ cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều trong cuộc sống ở đây", Minh nói.
Còn thầy Nguyễn Ngọc Lâm ví việc sử dụng mẹo trong IELTS như "uống kháng sinh liều cao", còn rèn luyện hàng ngày là "uống thuốc bổ".
"Thuốc bổ" của anh là yêu cầu học sinh phải dùng tiếng Anh thường xuyên ở mọi kỹ năng. Bản chất của việc học ngôn ngữ là sử dụng và cọ xát mỗi ngày để hình thành phản xạ. Học sinh luyện IELTS cũng vậy và không có cách nào khác ngoài rèn luyện.
Bình Minh