Trương Kỳ Tông, 17 tuổi, hiện là sinh viên Học viện Kaplan, Singapore, sau khi tốt nghiệp trường Grand Prairie Collegiate, bang Texas, Mỹ, năm 2021. Cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu TP HCM có nền tảng tiếng Anh tốt, với IELTS 7.5. Tuy nhiên, cậu vẫn "ngọng nghịu" trong những ngày đầu ở Mỹ.
Trong buổi học đầu tiên, Tông muốn xin ra ngoài đi vệ sinh nên đã nói May I go to the toilet?. Cậu vừa dứt lời, cả lớp phá lên cười. Sau khi được thầy giải thích từ "toilet", Tông mới biết đã sử dụng sai.
Nam sinh cho hay, trong tiếng Anh - Anh, từ "toilet" nghĩa là nhà vệ sinh, tuy nhiên tiếng Anh - Mỹ lại dùng "bathroom" hoặc "restroom". "Toilet ở đây là bồn cầu, do đó câu May I go to the toilet nghe hơi kỳ cục", Tông giải thích.
Nghe giảng trong lớp cũng là thách thức với Tông khi giọng ở vùng Texas nặng hơn nơi khác. Suốt nhiều tháng đầu, Tông chìm trong cảm giác tự ti, ngại giao tiếp vì khó tương tác với bạn học. Tông không bắt kịp lối nói chuyện "trendy", lược bỏ ngữ pháp, rút gọn câu của bạn bè.
"Em chỉ nghe được phần đầu, đến đoạn cao trào là không hiểu nữa. Em thường phải nhờ bạn giải thích lại", Tông kể.
Rào cản ngôn ngữ không chỉ gây bất tiện cho Tông ở trường mà trong cả đời sống hàng ngày. Trải nghiệm ở tiệm cắt tóc khiến Tông sau đó không dám mạo hiểm, chấp nhận nuôi tóc dài suốt hai năm để về Việt Nam cắt lại.
Lần ấy, Tông không ưng ý với mẫu nào trong tiệm, nhưng không có wifi để tải ảnh mẫu. Thợ làm đầu không hiểu ý dù cậu đã kiên nhẫn giải thích bằng cả lời nói và ngôn ngữ cơ thể. Khi lưỡi tông đơ đi một đường chia đôi phần tóc trên đầu, Tông hiểu mình không thể làm gì khác.
"Hôm đó, em ra về với cái đầu cạo trọc", Tông nhớ lại.
Tông cho rằng điểm IELTS cao không đảm bảo cho du học sinh hòa nhập ngay được với môi trường mới. Ở trường, Tông không chỉ tiếp xúc với bạn bè người bản địa mà còn nhiều học sinh quốc tế khác. Thứ tiếng Anh mang giọng địa phương của những bạn học này cũng nhiều phen khiến Tông bối rối.
Gần chỗ Tông ở có chợ Fiesta. Trong tiếng Anh có một từ phát âm tương tự là siesta nhưng mang nghĩa khác. Siesta chỉ văn hóa ngủ trưa độc đáo của người Tây Ban Nha. Lần đó, cậu bạn Nigeria trao đổi với Tông về giờ giấc cùng nghỉ trưa, nhưng cậu lại nghe thành "Fiesta".
"Em tới chợ, không thấy bạn đâu. Hóa ra em nghe nhầm, bạn rủ chợp mắt buổi trưa để tối học bài, em lại nghe thành đi chợ", Tông cho hay.
Theo Tông, một số kỹ năng trong IELTS hỗ trợ khá tốt cho việc học trên lớp như Reading, Writing hay Listening. Còn kỹ năng Speaking phụ thuộc nhiều vào hiểu biết văn hóa, vùng miền, phong tục tập quán và khả năng thích nghi của từng du học sinh, đặc biệt ở những nước có sự giao thoa nhiều nền văn hóa.
Cũng như Tông, Lê Tự Nguyên Hào, học sinh trường Anderson Serangoon Junior, từng rất tự tin trước khi du học Singapore. Tốt nghiệp THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, Hào thi IELTS đạt 8.0 và giành học bổng Astar. Nhưng khi sang Singapore, em như bị "dội nước lạnh" vì sốc ngôn ngữ.
Hào cho hay, tiếng Anh ở Sing pha trộn với tiếng Trung, tiếng Ấn Độ, tiếng Malaysia tạo thành ngôn ngữ đặc trưng là "Singlish". Người dân khi nói tiếng Anh thường lồng thêm ngữ điệu riêng.
Trong lớp, Hào không gặp quá nhiều khó khăn để nghe giảng vì giáo viên sử dụng tiếng Anh chuẩn. Nhưng mỗi lần ra ngoài, cậu luôn phải căng tai trước người đối diện. Ở chiều ngược lại, người nghe cũng không hiểu Hào đang nói gì.
"Trước khi ra nước ngoài, du học sinh phải tìm hiểu trước nơi mình đến, nghe video của các youtuber hay vlogger bản ngữ để quen giọng dần. Bạn cũng nên nói chuyện nhiều với bạn bè quốc tế, thay vì chỉ chơi với nhóm bạn Việt Nam", Hào khuyên.
Xem phim và nghe vlog được đánh giá là cách học tiếng Anh và làm quen với ngôn ngữ hiệu quả, theo Thạc sĩ Tú Phạm, chủ nhiệm trung tâm IPP IELTS. Với cách này, bạn có thể chọn nghe giọng vùng miền nào mình sắp đến, hiểu thêm về cuộc sống và thói quen của người địa phương.
Thầy Tú chia sẻ, du học sinh cần cởi mở nếu gặp các tình huống cần sử dụng ngôn ngữ. Khi sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ không bị bất ngờ và có thể học nhanh hơn.
Theo thầy, việc du học sinh trầy trật dùng tiếng Anh khi giao tiếp với người bản địa là chuyện dễ hiểu. IELTS là kỳ thi học thuật, không gần gũi với phong cách giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày.
Từng có IELTS 8.0 (Speaking 8.0) thời điểm học thạc sĩ tại Anh năm 2012 nhưng thầy Tú vẫn không tránh khỏi những tình huống lúng túng khi người dân dùng nhiều tiếng lóng, thổ ngữ và giọng điệu vùng miền.
Thạc sĩ Tú nhận định, phần lớn du học sinh mất khoảng 1-2 năm để làm chủ ngôn ngữ ở mức độ hòa nhập tự nhiên với người bản xứ. Theo thầy, ngôn ngữ biến đổi hàng ngày, nên người học cũng không nên hài lòng với band điểm mình có mà thường xuyên phải rèn luyện, sử dụng thường xuyên. Sau gần 10 năm, thầy Tú hiện đạt IELTS 8.5 (Speaking 9.0).
Theo thầy Tú, trước khi nói chuyện với người bản địa, bạn cần xác định rõ mục đích giao tiếp của mình là gì. Bạn có thể chuẩn bị kỹ càng, tra cứu trước những từ vựng dùng trong cuộc hội thoại đó để tập trung câu chuyện theo hướng mình muốn. "Tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn nên hãy tạo tâm lý cởi mở khi giao tiếp. Nếu không hiểu, hãy thoải mái nói không hiểu và nhờ họ hướng dẫn, giải thích. Từ đó, bạn sẽ học nhanh hơn", thầy Tú nói.
Trước khi du học, thạc sĩ Tú có sở thích hát nhạc kịch hoặc opera. Khi sang Anh, anh tìm đến các câu lạc bộ, tham gia dàn hợp xướng có thể loại đó để mở rộng mối quan hệ và hòa nhập tốt hơn.
Tông cũng mất một năm để hòa nhập môi trường ở Mỹ. Mới đây thi lại IELTS, cậu đạt 8.0. Nhưng ngay cả khi đã có điểm số mơ ước, cậu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi học online đại học tại Singapore.
Với Hào, suốt hai năm qua, em không có bạn người bản địa. Hào đang tích cực rèn luyện xem phim và tăng cường trò chuyện với bạn bè để hòa nhập tốt hơn.
Bình Minh