Điều chỉnh này được thực hiện từ ngày 19/5. Như vậy, lãi suất cơ bản hiện nay đã có sự thay đổi lớn từ mức 8,75% lên 12%/năm. Lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại và lãi suất chiết khấu được lần lượt được đưa lên 13% và 11% mỗi năm.
Theo cơ quan kiểm soát tiền tệ quốc gia, trần lãi suất huy động 12% áp dụng từ cuối tháng 2 tới nay sẽ được dỡ bỏ. Mức trần lãi suất này được áp dụng theo yêu cầu Công điện 02 của Ngân hàng Nhà nước, sau khi các nhà băng, do thiếu thanh khoản cục bộ, ồ ạt nâng lãi suất huy động tiền đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gửi tiền kiệm tại các ngân hàng không còn hấp dẫn với người dân có tiền nhàn rỗi, do nguy cơ lãi suất thực âm.
Theo Tổng Cục thống kê, tỷ lệ lạm phát trung bình kỳ của Việt Nam trong tháng 4 vừa qua là 17,6% và so với cuối năm 2007 là 11,6%. Tỷ lệ lạm phát trung bình kỳ được coi là cơ sở để ngân hàng trung ương các nước điều hành chính sách tiền tệ.
Với lãi suất cơ bản 12%, lãi suất cho vay cao nhất các ngân hàng thương mại được phép áp dụng sẽ là 18% mỗi năm. Theo quy định của Luật Dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Từ thứ 2 tuần tới (19/5), các ngân hàng được phép nâng lãi suất tiền đồng lên trên 12% mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hà |
Trao đổi với báo giới sáng nay tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho hay, việc nâng các lãi suất chủ chốt nằm trong quyết định điều chỉnh cơ chế điều hành lãi suất cơ bản cho phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự. Quyết định này đã được Thủ tướng phê duyệt hôm qua.
Theo đó, quyết định về cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng tiền đồng sẽ không còn hiệu lực. Thay vào đó, cơ chế mới sẽ cùng lúc tuân thủ luật Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự. Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (gồm lãi suất huy động và cho vay). Đồng thời, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản.
Cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp dụng từ giữa năm 2002. Đối với nhiều chuyên gia tài chính, việc tự do hóa lãi suất là một thành công của thị trường tiền tệ trong những năm qua.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nâng lãi suất cơ bản lên 12% vừa nhằm phản ánh lãi suất thị trường, vừa có vai trò là lãi suất điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tạo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý. Thực tế, từ trước tới nay, lãi suất cơ bản chỉ có mang tính tham khảo và hầu như không có tác động đến lãi suất kinh doanh trên thị trường.
Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), với lãi suất cơ bản 12% và trần cho vay 18%, có khả năng các ngân hàng thành viên VNBA sẽ không áp dụng cơ chế đồng thuận về lãi suất như trước.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh lãi suất cơ bản và cơ chế điều hành lãi suất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng. Theo đó, lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 13,3% mỗi năm, từ 6-12 tháng là 13,5% và trên 12 tháng là 13%. Ngân hàng này cũng cho rằng, khả năng thu hút tiền gửi với kỳ hạn trên 12 tháng rất thấp, do thị trường đang có biến động.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cũng cho rằng, lãi suất trên thị trường sẽ không biến động quá mạnh, bởi các nhà băng đều phải cân đối chi phí đầu vào và đầu ra. Theo ông Hà, chỉ những ngân hàng đang có khó khăn về thanh khoản mới phải đưa lãi suất huy động lên sát mức 18%.
Ngân hàng này cũng công bố lãi suất cho vay tối thiểu ở mức 16,5% mỗi năm. Với từng nhóm khách hàng cụ thể và mục đích vay vốn, lãi suất sẽ được ấn định ở các mức khác nhau.
Ngọc Châu