Theo Tổng Cục thống kê, giá các mặt hàng phục vụ đời sống thường ngày của người dân đã đắt hơn tháng trước 2,2%, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm tới nay lên 11,6%. Trong các tháng trước, CPI lần lượt ở mức 2,38%, 3,56% và 2,99%.
Giá hàng hóa và dịch vụ trên cả nước hiện đắt hơn so với cùng kỳ năm trước 21,42%. Theo cách tính CPI mới, bằng cách tính trung bình kỳ, giá cả 4 tháng đầu năm nay tăng 17,6% so với 4 tháng đầu năm 2007.
Trong quý I năm nay, giá cả đã tăng 9,19%, vượt xa chỉ tiêu cả năm là giữ CPI dưới mức tăng trưởng GDP dự kiến 8,5-9%. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại một số tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2008.
Lương thực là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng. Ảnh: Hoàng Hà. |
MPI đề xuất đưa GDP xuống 7%. Bộ này chưa đưa ra đề xuất về tăng giá tiêu dùng trong năm 2008, song với việc CPI 4 tháng đầu năm ở mức 11,6%, MPI cho rằng, việc giữ giá cả dưới 12,63% như của năm 2007 chắc chắn sẽ không thực hiện được.
Trong báo cáo đưa mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay và CPI sẽ ở mức 15,6%.
Theo cơ quan thống kê quốc gia, trong tháng 4, giá lương thực tăng mạnh nhất, 6,11%, đưa tốc độ tăng giá của mặt hàng này từ đầu năm tới nay lên 25,12%. Trong các năm trước đây, lương thực thường là mặt hàng ít tăng nhất trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Song với cuộc khủng hoảng lương thực trên phạm vi thế giới cùng việc thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp thời gian qua, lương thực lại trở thành mặt hàng tăng giá nhanh nhất.
Các nhóm hàng đắt đỏ nhất trong tháng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng, và phương tiện đi lại và bưu điện với các mức tăng lần lượt 3,1%, 2,6% và 2,3%. Giá cả phương tiện đi lại và dịch vụ bưu điện nhích lên phần nhiều do bị giá xăng dầu "kéo". Các nhóm hàng và dịch vụ còn lại đều duy trì mức tăng nhẹ dưới 1%.
Trong tháng, giá tiêu dùng tăng mạnh nhất ở các địa phương phía nam và các khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển. Mặt bằng giá cả tại đồng bằng sông Cửu Long tăng 2,6%, trong khi các vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mức tăng lần lượt là 2,9%, 2,89% và 2,39%.
Ngọc Châu