Một ngân hàng thương mại tại Hà Nội đã sẵn sàng điều chỉnh lãi suất nếu các ngân hàng khác có thay đổi. Trong trường hợp đó, lãi suất huy động của nhà băng này sẽ vượt qua tỷ lệ tăng giá tiêu dùng của năm 2007 là 12%. Một quan chức của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho hay, nhà băng này đang chờ đợi động thái của Ngân hàng Nhà nước và VNBA về trần lãi suất. Nếu trần lãi suất được dỡ bỏ, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng chắc chắn sẽ tăng.
![]() |
Lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn ở mức 11%. Ảnh: H.H. |
Theo VNBA, hiện đa phần ngân hàng thành viên vẫn tuân thủ mức lãi suất huy động 11% theo cam kết. Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã thông báo ngừng huy động vốn bằng chương trình phát hành kỳ phiếu lãi suất 12% mỗi năm. Nhà băng này cho hay sẽ không thực hiện quay số trúng thưởng, mà mời khách hàng đến để thỏa thuận tặng thêm tỷ lệ khuyến mại 1% trên mệnh giá kỳ phiếu. Trước đó, SCB đã thông báo huy động 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu với lãi suất 1% mỗi tháng, làm nổi lên mối lo ngại về một đợt chạy đua nâng lãi suất mới.
Dù nói rằng "đã sẵn sàng", nhưng việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ có cân nhắc. Trong trường hợp lãi suất huy động tăng lên, lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng 3,8%, do các nhà băng cần cân đối dự trữ bắt buộc và nhiều chi phí đầu vào khác.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược Phát triển Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng việc các nhà băng điều chỉnh lãi suất theo nhu cầu huy động vốn không đáng lo ngại, bởi thị trường sẽ có khả năng tự điều chỉnh. Nâng lãi suất huy động, nhà băng sẽ phải cân nhắc tác động tới lãi suất cho vay. "Trong trường hợp ngân hàng nâng lãi suất cho vay quá cao, họ sẽ không có khách, và phải cân nhắc lại lãi suất huy động", ông Nghĩa nói.
Quan chức SHB dự đoán, nếu một cuộc đua lãi suất tái diễn như hồi tháng 2, lượng tiền huy động mới từ người dân sẽ không cao, mà thực tế nguồn vốn chỉ dịch chuyển từ ngân hàng này sang nhà băng khác. Lý do là lượng tiền mặt trong người dân hiện còn không lớn, đang phân tán và "kẹt" trong nhiều kênh đầu tư như vàng, chứng khoán và bất động sản, chưa thể lập tức rút về.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục nhích lên trong 2 tuần gần đây, lên mức 14-15% trong tuần thứ hai của tháng 4. Hôm nay, tỷ lệ này ở mức 18-22%, tùy theo kỳ hạn.
Một chuyên gia cho hay, không ít ngân hàng đang thiếu vốn khả dụng, do chưa thể thu về các khoản vốn đã cho vay. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện lộ trình rút vốn của Kho bạc Nhà nước ở tài khoản tại các ngân hàng về.
Trong thông báo hàng tuần, Ngân hàng Nhà nước cho hay, tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước đầu tháng 4 thấp hơn mức dự trữ bắt buộc, nên tạo nên tâm lý cần hút vốn, làm lãi suất trên thị trường tăng. Cơ quan kiểm soát tiền tệ quốc gia cho hay đã hỗ trợ vốn để ổn định thị trường, song tính trung bình, số dư tiền gửi vẫn thấp hơn dự trữ bắt buộc của tháng.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, với mặt bằng lãi suất huy động như nhau ở các nhà băng, chắc chắn các ngân hàng quốc doanh sẽ hút được nhiều vốn, vì người dân vốn tín nhiệm các ngân hàng được Nhà nước bảo đảm hơn là các nhà băng nhỏ. Mặt khác, theo ông, công suất huy động vốn của các ngân hàng nhỏ cũng không lớn, vì còn bị khống chế bởi tỷ lệ tiền gửi trên vốn tự có.
Vị chuyên gia này cho rằng, tự do hóa lãi suất được coi là thành công lớn của thị trường tiền tệ trong những năm qua. Vì thế, áp dụng trần lãi suất đồng đều cho các ngân hàng có thể làm mất ý nghĩa của những nỗ lực này. Cũng theo ông, hiện vẫn còn là sớm để khẳng định lạm phát sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc giữ hay dỡ bỏ trần lãi suất còn cần xem xét thêm, có thể cần theo dõi trong vài tháng tới.
Ngọc Châu