Không quân Trung Quốc ngày 19/9 công bố video trên mạng xã hội cho thấy các oanh tạc cơ H-6K diễn tập mô phỏng không kích một căn cứ hải quân đối phương. Lực lượng này không định danh mục tiêu, nhưng cách bố trí của nó tương đồng với căn cứ Andersen của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Một nguồn tin thân cận với đơn vị truyền thông của quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết video của không quân nước này "mượn" một số cảnh trong hai bộ phim hành động của Hollywood để khiến sản phẩm của họ "thêm phần bắt mắt". Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thông điệp mà PLA phát tới Mỹ qua video này là rất rõ ràng.
"Đoạn video nhằm cảnh báo người Mỹ rằng ngay cả những vị trí được cho là an toàn, ở sân sau như đảo Guam, cũng có thể bị đe dọa khi xảy ra xung đột chớp nhoáng trong khu vực", Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore, nhận định.
Các chỉ huy hải quân Mỹ phụ trách lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng dự đoán rằng căn cứ Mỹ trên đảo Guam sẽ là một trong những mục tiêu bị tấn công đầu tiên nếu nổ ra xung đột với Trung Quốc.
"Quân đội Trung Quốc có thể phóng tên lửa hành trình và đạn đạo nhằm vào vùng lãnh thổ trên biển của Mỹ. Họ có thể xóa sổ căn cứ chính của không quân Mỹ tại Thái Bình Dương với oanh tạc cơ và các loại máy bay chiến đấu hạng nặng khác", đô đốc Philip Davidson từng cảnh báo.
Đảo Guam nằm ở giữa Thái Bình Dương, cách Trung Quốc khoảng 2.900 km về phía đông nam. Guam nằm đủ gần lục địa châu Á để không quân Mỹ thiết lập căn cứ dành cho oanh tạc cơ, trinh sát cơ và máy bay tiếp liệu, song hòn đảo đủ xa để gây khó khăn cho đối phương, trừ những lực lượng sở hữu vũ khí tinh vi nhất.
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam có diện tích lớn với đường băng dài cùng bãi đỗ rộng có thể chứa hàng trăm máy bay. Các sĩ quan tham mưu Trung Quốc có thể nhận thức sâu sắc về giá trị của căn cứ Andersen với không quân Mỹ và được cho là đã dành nhiều thập kỷ để tìm ra phương án tấn công cơ sở này.
Lực lượng Tên lửa Trung Quốc sở hữu tên lửa đạn đạo DF-26 với tầm bắn khoảng 4.000 km, có thể vươn tới Guam. Oanh tạc cơ H-6K của không quân Trung Quốc cũng có thể tấn công Guam bằng tên lửa hành trình CJ-10 với tầm bắn khoảng 1.400 km. Các chiến hạm Trung Quốc có thể đến gần hơn và phóng tên lửa YJ-18 từ khoảng cách 480 km.
Chưa rõ Trung Quốc sở hữu bao nhiêu tên lửa các loại nói trên. Các loại vũ khí chính xác của Trung Quốc bị nghi ngờ về hiệu quả thực chiến, do chúng chưa được sử dụng trong thực tế chiến trường, đồng thời bệ phóng của chúng là những mục tiêu dễ bị tấn công.
Tuy nhiên, các chỉ huy Mỹ vẫn nhận định rằng khi một cuộc xung đột lớn nổ ra, sẽ có vài tên lửa nhắm tới đảo Guam. Sinh mạng hàng nghìn người Mỹ và số máy bay trị giá hàng tỷ USD có thể gặp rủi ro, lợi thế quân sự quan trọng là sức mạnh không quân tầm xa có thể bị xóa sổ sau đòn tấn công bằng tên lửa.
Nguy cơ trên khiến lục quân Mỹ triển khai một Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để bảo vệ các mục tiêu quan trọng chiến lược ở Guam. Nếu xảy ra khủng hoảng, lục quân Mỹ sẽ lập tức điều các tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 tới hòn đảo.
THAAD và Patriot đều là các hệ thống phòng thủ nhằm vào tên lửa của đối phương khi chúng ở giai đoạn cuối của chuyến bay, trước khi đầu đạn vào vị trí hồi quyển. Tên lửa tầm trung SM-3 đảm nhận nhiệm vụ tấn công tên lửa đạn đạo của đối phương ở giai đoạn giữa hành trình.
SM-3 có thể phóng từ khu trục hạm hoặc tuần dương hạm sở hữu hệ thống Aegis với khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Mẫu tên lửa này còn có thể phóng từ hệ thống Aegis Ashore trên đất liền với ưu thế chi phí vận hành thấp hơn hệ thống trên các chiến hạm. Mỹ từng định triển khai một căn cứ Aegis Ashore tại Nhật Bản song phải hủy vì bị địa phương phản đối mạnh mẽ. Guam được cho là địa điểm bố trí thay thế.
Radar mảng pha quét điện tử thụ động AN/SPY-1D của hệ thống Aegis/Aegis Ashore có thể phát hiện và bám bắt nhiều loại tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa. Hệ thống Aegis cũng có thể lấy dữ liệu từ radar tầm xa AN/TPY-2, một thành phần của lá chắn THAAD.
Khi mục tiêu được nhận dạng, các chiến hạm mang tên lửa SM-3 của Mỹ sẽ khai hỏa. Nếu tên lửa lọt qua lớp phòng thủ của Aegis, chúng phải đối mặt với khẩu đội THAAD trang bị 48 tên lửa đánh chặn và hệ thống radar AN/TPY-2 được Mỹ triển khai ở Guam từ tháng 4/2013.
Đô đốc Davidson gọi Aegis Ashore là "hệ thống phòng thủ nội địa Guam", sẽ kết hợp với THAAD nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa để bảo vệ căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam.
Tuy nhiên, Timothy Walton, chuyên gia tại Trung tâm Khái niệm và Công nghệ Quốc phòng thuộc Viện Hudson, cho rằng lá chắn hiện nay của Guam vẫn tồn tại một số lỗ hổng cần khắc phục.
Radar AN/TPY-2 của hệ thống THAAD dễ bị tấn công và chưa thể bao phủ 360 độ quanh mục tiêu cần bảo vệ. Việc tập trung tiêu diệt tên lửa đối phương ở tầm cao khiến tổ hợp này khó xoay xở trước máy bay bay thấp hoặc tên lửa hành trình, những vũ khí Trung Quốc có thể sử dụng để tấn công Guam nếu nổ ra xung đột với Mỹ.
Hệ thống Aegis Ashore uy lực hơn, nhưng cũng có những hạn chế. Hệ thống này được thiết kế để đối phó với số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo. Bệ phóng và radar cố định của nó dễ bị đối phương đánh phủ đầu bằng hàng loạt tên lửa phóng dồn dập, khiến lá chắn trở nên tê liệt.
"Thay vì lắp đặt thêm hệ thống Aegis Ashore trên đảo Guam, Mỹ nên xem xét xây dựng lưới phòng không và phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn bằng cách kết hợp Hệ thống Chiến đấu Aegis mới nhất với mạng lưới các cảm biến, nút chỉ huy và kiểm soát hiện có", Walton nói.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes, SCMP)