Quân đội Trung Quốc hôm 23/1 công bố video thử nghiệm tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26, vũ khí được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Các chuyên gia quân sự nước này khẳng định DF-26 đủ sức đánh chìm tàu sân bay đối phương, nhờ mạng lưới thông tin giữa vệ tinh, radar mặt đất và trên biển cùng đầu dò tên lửa liên tục cập nhật tham số mục tiêu, giúp hiệu chỉnh đường bay và bảo đảm khả năng đánh trúng mục tiêu liên tục di chuyển trên biển.
"Đây dường như là chiến dịch truyền thông nhằm gây ấn tượng với người dân Trung Quốc, đồng thời phô diễn tiềm lực quân sự của Bắc Kinh với thế giới. Tuy nhiên, video thử nghiệm không cho thấy cảnh quả đạn đánh trúng mục tiêu cơ động trên biển. Nó chỉ là một vụ phóng bình thường, không thể hiện tính năng đặc biệt của DF-26", CNN dẫn lời cựu tư lệnh Trung tâm Tình báo Hỗn hợp Thái Bình Dương của Mỹ Carl Schuster hôm 29/1 nhận xét.
Tình báo Mỹ nhận định DF-26 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách gần 5.500 km bằng đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, đủ sức đe dọa căn cứ chủ chốt của Washington trên đảo Guam và bao trùm toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, Schuster khẳng định Bắc Kinh chưa sở hữu quy trình vận hành và chiến thuật để tấn công mục tiêu đang di chuyển như tàu chiến.
Giới quân sự Trung Quốc trước đó lên tiếng bảo vệ DF-26, bác bỏ những hoài nghi của phương Tây về khả năng đe dọa tàu sân bay của loại vũ khí này.
Chuyên gia Song Zhongping hôm 28/1 cho rằng hệ thống cánh lái quanh mũi đầu đạn DF-26 cho thấy nó sẽ có quỹ đạo phức tạp, phù hợp để diệt mục tiêu di chuyển và khó bị đánh chặn hơn. "Thiết kế đặc biệt cho phép DF-26 đạt khả năng siêu cơ động trong pha cuối, đủ sức đánh trúng tàu sân bay đối phương", Song nói thêm.
Tuy nhiên, nhà phân tích Andrew Tate của tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly cho rằng Bắc Kinh cần công bố nhiều dữ liệu chi tiết hơn để chứng tỏ khả năng diệt hạm của DF-26.
"Truyền thông Trung Quốc nhắc tới radar tự dẫn của tên lửa, thành phần rất quan trọng trong pha tiếp cận mục tiêu, khi mọi sự chậm trễ trong cập nhật vị trí chiến hạm đối phương đều khiến quả đạn đánh trượt đích. Việc bảo đảm tính năng này hoạt động như thiết kế sẽ đòi hỏi nhiều cuộc thử nghiệm chứ không chỉ giới hạn ở một vụ bắn thử", Tate nhận định.
Schuster khẳng định video thử nghiệm DF-26 cho thấy nghi ngờ về tính năng loại vũ khí này là có cơ sở. "Trung Quốc cảm thấy cần đáp trả hoài nghi bên ngoài để đạt được mục tiêu tuyên truyền trong nước. Video được làm một cách tuyệt vời với nhiều hiệu ứng hình ảnh và âm nhạc, nhưng không cho thấy quả đạn đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào", Schuster nhận xét.