Quân đội Na Uy từ thời Chiến tranh Lạnh đã lên kế hoạch đối phó kịch bản Nga đưa quân "xâm lược" qua hạt Finnmark ở miền bắc, khu vực giáp biên giới trên bộ với tỉnh Murmansk và bán đảo Kola của Nga. Tuy nhiên, chuyên gia Ina Holst-Pedersen Kvam thuộc Học viện Hải quân Na Uy nhận định tình hình thay đổi khiến kế hoạch phòng thủ của Na Uy và NATO theo đuổi 60 năm qua đã trở nên lỗi thời.
"Na Uy và NATO dường như lên kế hoạch sai", Kvam nói trên sóng NRK ngày 21/7. "Nga không cần thiết phải chiếm đóng Finnmark nhằm đảm bảo lợi ích của họ trong cuộc chiến với NATO. Kế hoạch tấn công qua Finnmark được Liên Xô xây dựng trong tình huống và điều kiện công nghệ khác biệt đáng kể so với ngày nay".
Kvam nói quan điểm phòng thủ của NATO và Na Uy không bắt kịp với thay đổi của tình hình. Chuyên gia nhận định việc NATO tăng cường hoạt động ở vùng biển phía bắc, đặc biệt là cuộc tập trận Trident Juncture 2018 với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ, thúc đẩy Nga thay đổi kế hoạch, chú trọng vào quần đảo Lofoten ở hạt Nordland, miền trung Na Uy.
"Nga có thể nhận định sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ cho thấy quần đảo Lofoten có liên quan tới kế hoạch tác chiến của NATO và họ sẽ điều chỉnh hoạt động quân sự của mình cho phù hợp. Sau cuộc tập trận Trident Juncture 2018, Nga đã tiến hành các đợt diễn tập xa hơn về phía tây, đặc biệt xung quanh Lofoten, khu vực có nhiều vịnh sâu và núi lớn vốn không được phòng thủ mạnh, Kvam nói.
Nếu đánh chiếm Finnmark, khu vực có địa hình bằng phẳng, Nga có nguy cơ hứng chịu tổn thất rất lớn, trong khi giá trị quân sự thu về lại rất nhỏ. "Nếu Nga chiếm được Lofoten và triển khai hệ thống tên lửa tầm xa ở đây, họ sẽ kiểm soát phần lớn khu vực phía bắc Na Uy, thậm chí các vùng biển xa hơn về phía tây. Quân đội Na Uy ở Troms và Finnmark cũng sẽ bị cô lập với lực lượng ở những nơi còn lại", Kvam cho biết.
Chuyên gia Kvam nhận định NATO và Na Uy không tính đến những thay đổi đáng kể trong công nghệ vũ khí, chiến thuật và chiến lược khi đánh giá mối đe dọa từ Nga, dẫn đến nguy cơ bị bỏ xa toàn diện trong cuộc xung đột tương lai.
Lục quân Na Uy vẫn tập trung đối phó với các cuộc tấn công trên bộ. Lực lượng này mới thành lập tiểu đoàn phòng thủ Porsanger đóng quân tại Porsangermoen và một đại đội biên phòng mới nhằm "ngăn chặn kịch bản xấu nhất là một cuộc tấn công thù địch", đại tá John-Olav Fuglem nói. Tuy nhiên, Kvam tin rằng Nga hoàn toàn có thể kiểm soát Finnmark mà không cần dùng tới lực lượng bộ binh.
"Các hệ thống vũ khí hiện nay của Nga có tầm bắn bao trùm toàn bộ Finnmark. Do đó Nga có thể kiểm soát không phận trên Finnmark, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, bến cảng và radar mà không cần sử dụng lực lượng mặt đất", Kvam nói.
Kvam nhận định sau cuộc tấn công như vậy, đồng minh phương Tây của Na Uy không thể sử dụng Finnmark, còn Nga "được trao vùng đệm cần thiết để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân ở phía bắc".
"Trọng tâm của NATO trong những thập kỷ gần đây chuyển sang quản lý khủng hoảng và hoạt động cách xa lãnh thổ của các nước thành viên. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tác chiến ven biển của đồng minh", Kvam nói. "Nga lên kế hoạch hoàn toàn ngược lại với lực lượng ven biển có thể khai thác điểm yếu của Na Uy và đồng minh tại khu vực này".
Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội Na Uy không đồng tình với ý kiến của Kvam. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, đô đốc Haakon Bruun-Hanssen nói vẫn có nguy cơ một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Finnmark nếu chiến tranh xảy ra.
"Giá trị của Finnmark không thay đổi đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh", đô đốc Bruun-Hansen nói. "Tôi không cho rằng những dấu hiệu cụ thể từ phía Nga cho thấy tấn công Lofoten là kịch bản phù hợp hơn Finnmark".
Quan hệ giữa Nga và Na Uy trong những năm gần đây trở nên căng thẳng khi hai nước cáo buộc lẫn nhau về hoạt động gián điệp, đồng thời triển khai lực lượng quân sự gần biên giới. Olso ngày càng cảnh giác với chương trình hiện đại hóa lực lượng tại Biển Barents của Moskva, trong khi Nga để mắt đến hoạt động mở rộng hợp tác của Na Uy với Mỹ và các đồng minh NATO.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)