Tôi tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện tử năm 2016, mang trong mình nhiều hoài bão như bất kỳ người trẻ nào khác khi vừa bước chân vào đời. Ba tháng sau khi ra trường, tôi may mắn tìm được công việc tại một doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài. Công việc có vẻ ổn định, lương khá, nhưng đổi lại là những ca làm việc kéo dài 12 tiếng, ngày đêm luân phiên.
Chỉ sau một năm, cơ thể tôi bắt đầu lên tiếng. Viêm khớp do đi lại quá nhiều trong nhà máy, gan nhiễm mỡ do chế độ ăn uống thất thường, và hơn hết là tâm trí tôi rơi vào trạng thái trầm cảm vì không thấy được ý nghĩa thực sự của lao động. Đó là lúc tôi quyết định buông bỏ.
Tôi nghỉ việc và dành một năm làm tình nguyện viên không lương tại các nông trại, chỉ để tìm câu trả lời cho câu hỏi: mục đích của cuộc sống là gì? Trong suốt một năm đó, tôi đã trải qua những công việc tay chân đơn giản nhưng đầy nhọc nhằn: hốt phân bò, xách từng thùng nước tưới cây giữa trưa nắng, đào đất để trồng cây trên những mảnh đồi cằn cỗi. Mỗi giọt mồ hôi rơi xuống là một bài học, giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị của lao động và tính toán lại mục tiêu đời mình.
Tôi quyết định quay về quê, nơi tôi tin rằng với năng lực bình thường của mình, tôi có thể đạt được những mục tiêu như xây nhà, mua đất, và ổn định cuộc sống gia đình trong vòng 5 năm. Và đúng như dự tính, 5 năm sau, tôi đã có trong tay tất cả những điều đó. Thậm chí, tôi vừa hoàn thiện căn nhà thứ hai mà không nợ nần một đồng nào. Nhưng sự mông lung lại ập đến vào một năm trước.
>> Hành trình từ đào lươn trong rừng cao su đến mua nhà, xe Sài Gòn
Công việc hiện tại của tôi chủ yếu là quản lý hệ thống máy móc qua phần mềm, nay dần bị thay thế bởi công nghệ. Các báo cáo mà tôi từng làm đã được tự động hóa, sếp có thể truy cập hệ thống và xem trực tiếp các thông số cần thiết. Kết quả là khối lượng công việc của tôi giảm xuống chỉ còn ba giờ mỗi tháng. Nghe thì có vẻ đáng mừng, nhưng thực tế khiến tôi lo lắng: liệu tôi có phải là người đầu tiên bị cắt giảm khi công ty gặp khó khăn không?
Nỗi lo thất nghiệp lớn dần, đặc biệt khi tôi đang sống ở quê – nơi cơ hội việc làm không nhiều. Vợ chồng tôi thậm chí phải hoãn kế hoạch sinh con để tập trung ổn định tài chính và chăm sóc gia đình hai bên. Ba tháng trước, tôi bắt đầu xây dựng căn nhà thứ hai với mục tiêu biến nó thành khu vực làm việc và sản xuất tại nhà. Đây không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn là một kế hoạch dự phòng cho tương lai. Tôi đã dành gần 5 năm để học hỏi, thực hành, và kinh doanh lĩnh vực này, và hiện tại, tôi đã có đủ sự tự tin để tự chủ nếu mất đi công việc chính.
Có thể thấy, thời đại này, công nghệ và AI đang thay đổi cách chúng ta làm việc. Công việc ổn định hôm nay có thể không còn tồn tại vào ngày mai. Vì vậy, tôi muốn gửi gắm đến các bạn một lời khuyên: đừng để sự ổn định đánh lừa bạn. Hãy luôn học hỏi, chuẩn bị kỹ càng, và sẵn sàng thích nghi với mọi thay đổi.
Nếu bạn cảm thấy mông lung, hãy coi đó như một dấu hiệu để dừng lại và suy ngẫm. Hãy tìm hiểu bản thân muốn gì, sắp xếp lại các mục tiêu, và đừng ngại khó khăn để xây dựng một lối đi riêng. Tôi chúc các bạn vững tâm trên con đường của mình, dù gian nan thế nào, chỉ cần có sự chuẩn bị và tinh thần sẵn sàng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
- Ba người bạn ít học nhưng giàu
- 'Kỹ sư sáu năm ra trường nhưng lương bằng người bỏ học'
- 'Bằng giỏi đại học vứt xó để đi chạy xe ôm'
- '8X như tôi thèm khát cơ hội làm giàu của Gen Z'
- 'Gen Z khó làm giàu hơn các thế hệ trước'
- Không bằng cấp nhưng lương 'đè bẹp' mấy người bạn tốt nghiệp đại học