Phim khiến khán giả bỏ chạy vì cảnh sex gây sốc đoạt Gấu Vàng
LHP Berlin - một trong ba liên hoan lớn nhất thế giới - diễn ra vào tháng 2. Tác phẩm thể nghiệm Touch Me Not của Adina Pintilie đoạt giải cao nhất dù khiến giới phê bình phản ứng trái chiều. Trong phim, đạo diễn quan sát và ghi hình một nhóm người đủ lứa tuổi, giới tính chia sẻ và tiến hành các hoạt động quan hệ tình dục. Ở buổi chiếu, nhiều khán giả vội vã rời rạp bởi phim tràn ngập hình ảnh nhạy cảm.
Chia sẻ về đứa con tinh thần, đạo diễn Adina Pintilie cho biết cô cố gắng tạo ra một cuộc đối thoại với khán giả về mối quan hệ, về sự riêng tư, vẻ đẹp cơ thể, ranh giới thể xác mà con người trải qua. Đúng như truyền thống, sự kiện ở Berlin quy tụ nhiều phim gây tranh cãi, mang tính thể nghiệm cao và ít chiều lòng khán giả đại chúng. Một tác phẩm khác cũng gây sốc là Inkan, gongkan, sikan grigo inkan của đạo diễn Kim Ki Duk.
Oscar khép lại với chiến thắng của The Shape of Water
Năm nay, đường đua giải cao nhất ở Oscar "nóng" đến phút cuối cùng với sự cạnh tranh của The Shape of Water và Three Billboards Outside Ebbing, Missouri. Cuối cùng, tác phẩm về cô gái yêu thủy quái chiến thắng và nhà làm phim Guillermo del Toro cũng thắng "Đạo diễn xuất sắc". Còn Three Billboards Outside Ebbing, Missouri giành hai giải diễn xuất cho Frances McDormand (nữ chính) và Sam Rockwell (nam phụ).
Cũng như mọi năm, Oscar phản ánh những vấn đề của xã hội và làng phim Mỹ. Năm ngoái, lễ trao giải tràn ngập các thông điệp chống Tổng thống Trump còn năm nay, nhiều sao cổ vũ nữ quyền, hòa hợp sắc tộc và ủng hộ phong trào chống xâm hại tình dục (Metoo). Dù vậy, số người xem Oscar sụt giảm, khiến Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ phải đưa ra một số thay đổi ở mùa giải năm nay.
Cannes sôi động chuyện bạo lực, tình dục và tương lai điện ảnh
Ngày 19/5, giải Cành Cọ Vàng được trao cho phim Shoplifters của Nhật - tác phẩm về gia đình trộm vặt. Đêm trao giải kết thúc những ngày đầy sôi động ở liên hoan phim lớn nhất thế giới. Năm nay, các nhà làm phim, giám tuyển và chuyên gia tranh luận về các vấn đề bình đẳng giới trong làng phim, chống xâm hại tình dục và việc dòng chảy chủ lưu của điện ảnh có tiếp nhận phim phát hành trực tuyến (như của Netflix) hay không.
Cuối cùng, Thierry Frémaux - chủ tịch liên hoan phim - cùng các nhà tổ chức Cannes cũng ký vào một bản cam kết, hứa sẽ chú ý hơn đến các thông số về giới tính, đưa thông tin rõ ràng về quá trình chọn phim, cũng như cố cân bằng giữa nam và nữ trong ban lãnh đạo Cannes. Ngoài ra, Cannes vẫn là sân chơi của những phim gây sốc, tiêu biểu như như The House That Jack Built của Lars Von Trier và Climax của Gaspar Nóe.
Phim Roma của Netflix lên ngôi ở LHP Venice (Italy)
Giải cao nhất - Sư Tử Vàng - không gây bất ngờ bởi Roma được giới chuyên môn tán dương sau buổi ra mắt. Tác phẩm của Alfonso Cuaron theo chân một gia đình trung lưu ở Mexico City vào thập niên 1970. Chỉ với hai màu đen trắng, đạo diễn Mexico - đồng thời là biên kịch và quay phim - mang đến những thước phim giàu hoài niệm về quê hương.
Chiến thắng của Roma gây bàn tán hơn bởi đây là lần đầu phim của Netflix thắng ở một trong ba liên hoan lớn nhất thế giới. Theo một số báo Âu Mỹ, sự kiện đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc giới hàn lâm đón nhận các tác phẩm chiếu trực tuyến, vốn là gây tranh cãi dữ dội hai năm qua. Ngoài ra, Venice tiếp tục là bệ phóng cho Oscar năm 2019. Roma cùng các phim được đánh giá cao ở sự kiện này như The Favourite, A Star is Born, At Eternity’s Gate đang được đánh giá cao ở nhiều hạng mục của Oscar.
Các siêu anh hùng giúp phòng vé thế giới lập kỷ lục
Theo Variety, tổng doanh thu toàn cầu năm 2018 có thể đạt hơn 41,7 tỷ USD, cao nhất mọi thời. Thành tích này là nhờ nhiều bom tấn gây sốt như Avengers: Infinty War (2,04 tỷ USD), Black Panther (1,34 tỷ USD) và Jurassic World 2 (1,3 tỷ USD). Dòng phim siêu anh hùng thu hút nhất với sáu trong số 10 phim ăn khách nhất năm qua, gồm Avengers: Infinity War, Black Panther, Incredibles 2, Venom, Aquaman và Deadpool 2.
Doanh thu các phim ở Mỹ năm qua là hơn 11,9 tỷ USD, vượt kỷ lục 11,382 tỷ USD của năm 2016. Trung Quốc cũng tăng trưởng phòng vé với tổng doanh thu 8,7 tỷ USD (60 tỷ nhân dân tệ). Có đến sáu tác phẩm thu hơn 300 triệu USD ở nước này, trong đó có năm phim Hoa ngữ. Sau ba tháng đầu năm, phòng vé Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ trong một quý, giúp nước này tạm trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ trở lại ngôi đầu trong những tháng sau.
Sự đa dạng chủng tộc trên màn ảnh được tán thưởng
Trong nhiều năm, Hollywood không đánh giá cao tiềm năng phòng vé của các dự án có người không phải da trắng đóng chính. Tuy nhiên, định kiến này bị phá bỏ năm qua với thành công vang dội của Black Panther và Crazy Rich Asians. Tác phẩm siêu anh hùng Marvel trở thành hiện tượng văn hóa, đạt doanh thu ở Mỹ còn cao hơn Avengers: Infinity War. Hãng Disney thậm chí vận động để phim có cơ hội ở Oscar 2019.
Trong khi đó, Crazy Rich Asians thu 238 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí chỉ là 30 triệu USD. Hai phim này mở ra tiềm năng cho diễn viên gốc Phi và gốc Á trong một năm mà từ "diversity" - đa dạng (về sắc tộc, giới tính) - tràn ngập các bài viết về phim ảnh ở Âu Mỹ.
Hai "đại sư" Đông - Tây qua đời
Chỉ trong chưa đầy một tháng, thế giới chứng kiến sự ra đi của hai nhân vật lừng lẫy trong văn hóa đương đại - Kim Dung và Stan Lee. Dù hoạt động sáng tác văn học, truyện tranh chứ không trực tiếp làm phim, họ có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp phim ảnh qua những tác phẩm của mình. Truyện võ hiệp của Kim Dung nhiều lần được chuyển thể thành phim, năm nào cũng phủ sóng truyền hình và giúp nhiều diễn viên thành sao.
Trong khi đó, Stan Lee đồng sáng tạo các nhân vật chủ chốt của truyện tranh Marvel, làm nền tảng để phát triển Vũ trụ Điện ảnh Marvel - thương hiệu điện ảnh ăn khách nhất thế giới. Các bình luận thương tiếc, tri ân hai "đại sư" tràn ngập các mạng xã hội sau ngày họ qua đời.
Phong trào chống xâm hại tình dục khiến ngành công nghiệp điện ảnh thay đổi
Sau cú ngã của Harvey Weinstein cuối năm ngoái, phong trào chống quấy rối và xâm hại tình dục (Metoo) bùng lên ở Hollywood, sau đó lan ra thế giới. Năm nay, nhiều nghệ sĩ như Kim Ki Duk, Abdellatif Kechiche (đạo diễn Blue Is the Warmest Colour) tiếp tục bị tố cáo, khiến tên tuổi xuống dốc. Các lễ trao giải Quả Cầu Vàng, Oscar hay Cannes trở thành vũ đài cho các phát biểu về chủ đề này. Ở Quả Cầu Vàng, dàn sao đồng loạt mặc đồ đen để ủng hộ phong trào.
Sau một năm, nhiều báo Âu Mỹ nhận định phong trào Metoo đã thay đổi ngành điện ảnh. Các nghệ sĩ, nhà sản xuất thận trọng hơn trong hành vi, đặc biệt khi quay những cảnh nhạy cảm. Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ áp dụng tiêu chuẩn về đạo đức và đuổi hai nghệ sĩ kỳ cựu Bill Cosby, Roman Polanski vì scandal tình dục trong quá khứ. Tuy nhiên, một số tờ như New Yorker, Independent, New York Times cũng bắt đầu cảnh báo về việc chiến dịch đi quá đà với một số lời tố cáo mơ hồ, không rõ bằng chứng và nhắm đến việc hạ bệ cá nhân. Một sự kiện gây hoang mang là việc Asia Argento - người tiên phong của phong trào, từng có bài phát biểu hùng hồn ở Cannes 2019 - lại bị tố cáo từng tấn công tình dục một diễn viên nam kém tuổi.
Scandal Phạm Băng Băng trốn thuế gây bàn tán
Hồi giữa năm, minh tinh hàng đầu Trung Quốc bỗng biến mất trước truyền thông. Việc này thu hút sự chú ý của cả các báo Hoa ngữ lẫn phương Tây. Sau đó, các nguồn tin cho biết cô đang bị điều tra trốn thuế. Đến tháng 10, Băng Băng bị phạt 128 triệu USD, trong đó có 70 triệu USD tiền thuế. Người đẹp có thu nhập cao nhất Trung Quốc bị kết luận đã có sai phạm trong thời gian dài. Cô sử dụng thủ thuật "hợp đồng âm dương", trong đó một hợp đồng sẽ được trình cơ quan chức năng, còn hợp đồng kia được giấu kín. Thù lao diễn viên nhận được trên giấy tờ gửi cơ quan chức năng thường thấp hơn số tiền thật.
Sự kiện của Phạm Băng Băng được cho là mang ý nghĩa tích cực, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và khiến ngành phim ảnh Trung Quốc trong sạch hơn. Vài năm gần đây, làng phim nước này có nhiều scandal liên quan đến tài chính như đơn vị Diệp Vấn 3 làm giả doanh thu, phim Chúng ta của sau này vướng nghi vấn tự đặt vé online rồi hủy, tạo ra tình trang sốt vé giả...
Ân Nguyễn