Ngày 19/5, giải Cành Cọ Vàng được trao cho phim Shoplifters của Nhật. Cũng giống nhiều năm qua, Liên hoan phim Cannes (Pháp) luôn gây bất ngờ trong kết quả. Tác phẩm của đạo diễn Hirokazu Kore-eda được khen ngợi nhưng hiếm người nghĩ nó sẽ chinh phục được ban giám khảo gồm chín người, do Cate Blanchett làm chủ tịch. Đêm trao giải kết thúc một liên hoan phim đầy sôi động với nhiều tranh cãi về bản chất nghệ thuật, bình đẳng giới lẫn việc phát hành.
* Các hoạt động phim ảnh nổi bật ở Cannes 2018
Cannes là liên hoan phim lớn nhất thế giới, được xem như một đại tiệc để tôn vinh nghệ thuật điện ảnh. Ngoài việc chọn phim nào hay nhất, sự kiện còn là vũ đài để các nhà làm phim đưa ra góc nhìn về xã hội, con người hay chính môn nghệ thuật thứ bảy. Trong 12 ngày, ở thành phố miền Nam nước Pháp, tín đồ điện ảnh nô nức vào rạp để xem những tác phẩm có hình thái và nội dung khác xa nhau, từ Solo: A Star Wars Story - bom tấn Hollywood có ngân sách hơn 100 triệu USD - đến Rafiki - phim đồng tính nữ kinh phí thấp của Kenya, từ Dead Souls - phim tài liệu dài hơn tám tiếng về người dân Trung Quốc - đến The Image Book của huyền thoại Godard, hoàn toàn bỏ lối kể chuyện thông thường mà chỉ gồm các chuỗi hình ảnh, đoạn phim ghép vào nhau.
Ở Cannes, phim tài liệu về Giáo hoàng Francis - người phụng sự Chúa - chiếu một ngày trước The House That Jack Built - tác phẩm gây rúng động khi khắc họa tội ác man rợ của loài người. Dù không tranh giải, The House That Jack Built gây bàn tán nhất ở sự kiện. Ở phim này, đạo diễn Lars Von Trier đẩy sự cực đoan đến đỉnh điểm khi kể về tên sát nhân xem giết người là một hình thức nghệ thuật.
Phim khiến nhiều người kinh hãi và rời khỏi buổi chiếu nhưng những người ở đến cuối thì vỗ tay khen ngợi. Một lần nữa, tác phẩm của Von Trier xới lại tranh luận về ranh giới giữa nghệ thuật và sự thô tục, qua đó minh họa rõ nét tính đa nghĩa của điện ảnh. Một phim có thể gây hứng thú với một số người nhưng khiến người khác phẫn nộ. Liên hoan phim Cannes chính là sân chơi quen thuộc của những sản phẩm gây tranh cãi bậc nhất lịch sử điện ảnh.
Trên Cineuropa, Von Trier chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là không được khiến tất cả mọi người yêu bạn. Bởi như thế, bạn thất bại (với tư cách một nhà làm phim). Tôi không chắc khán giả đã ghét phim của tôi đủ chưa. Nếu phim được yêu thích quá, tôi nghĩ mình đã gặp vấn đề". Một tác phẩm khác ở Cannes cũng gây xôn xao về các cảnh nhạy cảm là Climax của Gaspar Nóe - kể về một nhóm vũ công phê thuốc hành động điên loạn. Tuy nhiên, phim được giới phê bình đón nhận tích cực hơn và giành giải cao nhất ở nhánh Directors’ Fortnight.
* Một số cảnh phim "Climax"
Cannes tiếp nhận những đạo diễn có khuynh hướng hành hạ phụ nữ trong phim như Von Trier nhưng cũng ủng hộ phong trào chống xâm hại và quấy rối tình dục - được dấy lên từ cuối năm ngoái sau "cú ngã" của Harvey Weinstein. Ở buổi trao giải, diễn viên Asia Argento có bài phát biểu xúc động, kể chuyện cô bị Weinstein cưỡng hiếp ở Cannes 21 năm trước. Quan trọng hơn, nữ diễn viên người Italy chỉ trích chính liên hoan phim là "mảnh đất săn bắn" để những ông trùm điện ảnh như Weinstein tấn công phụ nữ. Cô còn nhìn thẳng xuống đám đông và khẳng định nhiều kẻ quấy rối tình dục đang ngồi bên dưới rồi sẽ bị phanh phui.
Trong suốt mùa giải thưởng ở Mỹ đầu năm nay, không ít diễn viên lên tiếng ủng hộ phong trào. Tuy nhiên, không ai phát biểu như Argento - tấn công trực diện vào chính sự kiện điện ảnh và các thành viên trong khán phòng. Trang Hollywood Reporter cho biết nhiều người dự lễ bị sốc, lo lắng nhìn quanh và không biết phản ứng như thế nào. Sau khi Argento dừng lời, nhiều người vẫn căng thẳng hồi lâu. Trước đó, theo Variety, liên hoan phim Cannes và ngành điện ảnh Pháp nói chung còn chậm chạp trong việc hưởng ứng phong trào chống quấy rối tình dục. Động thái đáng kể nhất của ban tổ chức Cannes là lập một đường dây nóng để những người bị xâm hại tố cáo.
Từ phong trào này, làn sóng yêu cầu bình đẳng giới cũng dâng cao. Ngày 14/5, 82 nghệ sĩ nữ diễu hành ở thảm đỏ Cannes để chống phân biệt đối xử trong ngành điện ảnh. Theo họ, các giải thưởng điện ảnh trước nay quá thiên vị nam giới, ví dụ như chỉ có một đạo diễn nữ từng giành giải Cành Cọ Vàng. Năm nay, trong 21 phim tranh giải cũng chỉ có ba phim do nữ đạo diễn thực hiện.
Tuy nhiên, việc yêu cầu tăng số phim tranh giải của phụ nữ làm dấy lên câu hỏi rằng liệu một tác phẩm nên được xem xét dựa trên chính nó hay các yếu tố bên ngoài. Trên Guardian, Cate Blanchett bảo vệ quyết định của liên hoan phim và khẳng định nhóm giám tuyển của Cannes đã chọn đúng phim dựa trên chất lượng. Cô ủng hộ sự thay đổi nhưng nghĩ kết quả sẽ đến sau thời gian dài chứ không phải trong chớp mắt.
Thierry Frémaux - chủ tịch liên hoan phim - nhận định nhiều nhà làm phim nữ hiện nay vẫn còn trẻ, mới chỉ làm phim đầu tay hoặc thứ hai. Ông cho rằng nếu chọn phim của họ vào dự thi sẽ gây hại nhiều hơn lợi (bởi tác phẩm sẽ bị so sánh với nhiều phim chất lượng cao hơn, mà các nhà phê bình ở Cannes nổi tiếng khắc nghiệt). Dù vậy, ông Frémaux cùng các nhà tổ chức Cannes cũng ký vào một bản cam kết, hứa sẽ chú ý hơn đến các thông số về giới tính, đưa thông tin rõ ràng về quá trình chọn phim, cũng như cố cân bằng giữa nam và nữ trong ban lãnh đạo Cannes.
Một tranh cãi khác - giữa Netflix và ban tổ chức Cannes - được nhiều báo Âu Mỹ xem là có ý nghĩa quyết định đến tương lai ngành điện ảnh. Netflix ra đời từ năm 1997, gần đây bắt đầu sản xuất phim điện ảnh, chiếu trực tuyến trên trang web của họ cho người dùng có trả phí. Cách phát hành này đi ngược lại quy định mới của liên hoan phim Cannes là tác phẩm muốn tranh giải phải được chiếu ở rạp.
Sau nhiều cuộc thương lượng bất thành, Netflix rút lui khỏi Cannes, khiến liên hoan phim danh giá nhất thế giới mất đi một số tác phẩm được đánh giá cao. Trước đó, đơn vị này định đem đến Cannes loạt phim mới của các đạo diễn kỳ cựu như Alfonso Cuarón, Paul Greengrass, Jeremy Saulnier, cùng The Other Side of the Wind - tác phẩm cuối cùng của huyền thoại Orson Welles, được một nhóm người hoàn thành sau khi ông mất.
Ở tầm cao hơn, mâu thuẫn của Netflix và Cannes không chỉ là giữa hai đơn vị mà bắt rễ ở cách nhìn nhận điện ảnh. Netflix cho rằng khán giả không cần đến rạp vẫn có thể xem phim, còn ban tổ chức Cannes xem điều này xâm phạm giá trị nguyên bản của điện ảnh là thưởng thức phim trên màn ảnh rộng. Sự phát triển ngày càng nhanh của Netflix - hiện có hơn 100 triệu người dùng toàn cầu - cũng đe dọa công việc kinh doanh ở các rạp chiếu bóng..
Trên Variety, chủ tịch Cannes - Thierry Frémaux - cho rằng xung đột với Netflix là điều đáng buồn và hy vọng sẽ được dàn xếp trong tương lai. Tuy nhiên, các cây bút Âu Mỹ cho rằng sẽ không dễ giải quyết mâu thuẫn về lý tưởng giữa hai bên. Sắp tới, phản ứng của các liên hoan khác với Netflix sẽ quyết định liệu phim phát hành trực tuyến có nằm trong dòng chảy chủ lưu của điện ảnh đương đại hay không, đồng thời những ban tổ chức nào sẽ sát cánh cùng Cannes để bảo vệ quan điểm truyền thống. Trang Guardian nhận định tình hình càng thêm phức tạp nếu cuối năm nay, hãng Apple thực hiện kế hoạch đầu tư một tỷ USD để sản xuất phim và có thể phát hành qua iTunes.
Ở Cannes 2018, hai đạo diễn có phim tham gia nhưng không thể đến dự là Jafar Panahi (3 Faces) và Kirill Serebrennikov (Leto). Do tạo ra các tác phẩm gây tranh cãi về xã hội, Panahi bị chính phủ Iran giam lỏng từ năm 2010 và không được làm phim trong 20 năm. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm gây tiếng vang, trong đó có Taxi (giải Gấu Vàng ở Liên hoan phim Berlin 2015).
Còn đạo diễn Nga Serebrennikov đang vướng vào một vụ án kinh tế ở quê nhà. Tuy nhiên, theo nhiều nghệ sĩ, lý do chính khiến Serebrennikov bị cấm đến Cannes là việc ông từng chỉ trích chính phủ Nga khi sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời khắc họa xã hội nước này có phần u tối trên phim. Tại liên hoan phim, nhiều nghệ sĩ ủng hộ Panahi và Serebrennikov, nối dài những tranh luận về chính trị và nghệ thuật nhiều năm qua.
Ân Nguyễn