Trong bài viết mới, BBC nhận định Kim Dung là một trong số ít nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng với cộng đồng người Hoa qua nhiều lĩnh vực. Ông làm nên hiện tượng văn hóa vô tiền khoáng hậu. Tác phẩm của ông còn được dịch sang tiếng Anh, Hàn, Nhật, Thái, Pháp, Indonesia, Việt Nam. Ở Việt Nam, nhiều thế hệ độc giả là fan của Kim Dung.
Tác phẩm của Kim Dung có nhiều yếu tố lôi cuốn, dễ thấy nhất là võ thuật. Ông dày công nghiên cứu và tạo ra hệ thống chiêu thức, khái niệm đồ sộ về võ học. Chúng có hình thái đa dạng từ chưởng pháp, cước pháp, quyền pháp, nội lực, khinh công, sử dụng binh khí đến cả những môn dị biệt như Sư tử hống của Tạ Tốn (hét ra âm thanh cực lớn), Đẩu chuyển tinh di của nhà Mộ Dung (dùng chiêu thức đối thủ để đánh trả) hay Hấp tinh đại pháp (hút nội lực kẻ khác). Trong đó, nhiều môn có hiệu quả thị giác cao khi chuyển thể lên màn ảnh như Hàng long thập bát chưởng, Lục mạch thần kiếm hay Lăng ba vi bộ.
Có những trận đấu được Kim Dung khắc họa với diễn biến kịch tính, hồi hộp. Tiêu biểu là trận quyết tử giữa Tạ Tốn và Thành Khôn dưới giếng trong Ỷ thiên đồ long ký. Lúc này, Tạ Tốn đã bị mù và không thể đọ lại kẻ thù - từng là sư phụ - có võ công cao hơn nhiều. Kim Dung khéo léo xoay chuyển tình thế bằng tình tiết bất ngờ. Khi Thành Khôn sơ ý tung chiêu móc mắt, Tạ Tốn không đỡ mà cũng ra đòn này với kẻ thù khiến hắn không kịp trở tay. Khi cả hai cùng mù, Tạ Tốn chiếm tiên cơ do đã mù lâu, cuối cùng đánh bại Thành Khôn. Các cuộc đọ sức giữa nhóm võ lâm ngũ bá cũng gây ấn tượng nhờ sự khác biệt về lối đánh của Âu Dương Phong, Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư...
Không chỉ dừng ở việc mô tả, Kim Dung còn đưa triết lý vào võ, tạo ra một tầng nghĩa thú vị. Hàng long thập bát chưởng mang chất cương mãnh, trực diện, phù hợp những đấng nam tử hào sảng như Quách Tĩnh, Tiêu Phong, Hồng Thất Công. Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong mang tôn chỉ lấy nhu thắng cương. Ám nhiên tiêu hồn chưởng của Dương Quá cực mạnh nhưng chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi chàng đang đau buồn vì tình. Độc Cô Cửu Kiếm có triết lý không câu nệ chiêu thức, lấy vô chiêu thắng hữu chiêu, dành cho những người phóng khoáng như Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung.
Việc học võ công cũng gắn liền với những diễn biến ly kỳ, tiêu biểu như đoạn cuối tác phẩm Hiệp khách hành. Nhân vật chính - Thạch Phá Thiên - đến một hòn đảo để nghiên cứu bài thơ của Lý Bạch được khắc trên vách, được cho là ẩn chứa võ công phi thường. Hàng loạt cao thủ đã bỏ nhiều năm cố phá giải bí mật qua ngữ nghĩa nhưng vô ích. Còn Thạch Phá Thiên - vốn không biết chữ - chỉ xem bài thơ như các hình vẽ và lãnh ngộ võ nghệ tuyệt thế. Lối xử lý này vừa trào phúng, vừa gây bất ngờ cho độc giả, lại vừa ẩn chứa triết lý về cách nhìn sự vật khác biệt.
* 10 đại cao thủ trên trang sách Kim Dung
Yếu tố lịch sử được đan cài khéo léo trong tác phẩm của Kim Dung. Nhà văn lấy những sự kiện có thật, thêm thắt yếu tố hư cấu để viết truyện. Trong Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh được Thành Cát Tư Hãn cưu mang và giúp ông trên hành trình chinh phục các xứ láng giềng. Sau đó, chàng lại là người giữ thành Tương Dương để ngăn Mông Cổ chiếm Trung Quốc. Lộc Đỉnh ký hư cấu hóa nhân vật Vi Tiểu Bảo vào chặng đường nắm quyền lực của vua Khang Hy (nhà Thanh). Thủ pháp kiểu nửa hư nửa thực này cuốn khán giả vào câu chuyện, đồng thời tạo bối cảnh cho những trận đánh hoành tráng, như khi Dương Quá ám sát vua Mông Cổ giữa trận tiền cuối Thần điêu hiệp lữ.
Một ý tưởng xuyên suốt trong truyện Kim Dung là chống lại sự cưỡng cầu, chiếm hữu quá nhiều. Các nhân vật muốn thành lãnh tụ quần hùng, tranh bí kíp - như Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại, Mộ Dung Phục - đều phải trả giá ở mức độ nào đó. Còn người sống vô vi, ít tranh giành như Lệnh Hồ Xung, Đoàn Dự, Hư Trúc được tưởng thưởng về cuối. Có những nhân vật lịch sử như Thành Cát Tư Hãn, Khang Hy giành được quyền lực và vinh quang nhưng phải trải qua cuộc sống căng thẳng. Trong khi những nhân vật biết buông bỏ tìm được sự bình an trong tâm hồn, như Trương Vô Kỵ hàng ngày vẽ chân mày cho Triệu Mẫn.
Đề cao cái thiện, chiến thắng của chính nghĩa là nội dung xuyên suốt tác phẩm của cố nhà văn. Lối mô tả thiện - ác của ông không đi vào sự sáo mòn của khuôn khổ. Trong Ỷ thiên đồ long ký và Tiếu ngạo giang hồ, Minh giáo và Nhật nguyệt thần giáo bị xem là tổ chức xấu xa, tà đạo. Tuy nhiên, lại có những nhân vật trượng nghĩa, khẳng khái trong hàng ngũ họ. Trong khi đó, ở các môn phái chính đạo, lại có những kẻ không từ thủ đoạn để đạt mục đích như Nhạc Bất Quần. Kim Dung cũng vượt qua định kiến sắc tộc, nhất là các tác phẩm về sau. Ông có cái nhìn thiện cảm với nhiều lãnh đạo người Mông Cổ và Mãn Châu - những thế lực từng tiêu diệt các triều đại của người Hán. Trong Ỷ thiên đồ long ký, nhân vật nữ chính Triệu Mẫn - quận chúa người Mông Cổ - hết lòng yêu Trương Vô Kỵ, còn cô gái người Hán - Chu Chỉ Nhược - lại ám hại nghĩa phụ Tạ Tốn của anh. Cây bút Vũ Đức Sao Biển từng đúc kết trong cuốn Kim Dung giữa đời tôi rằng với tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, chữ "võ" không quan trọng bằng chữ "hiệp".
Cách xây dựng nhân vật của tác giả cũng chiếm thiện cảm người xem. Nhân vật chính của ông thường có xuất thân bình dân, đôi khi gặp bi kịch như mồ côi, bị lừa gạt. Họ từng bước học được võ công phi thường và vươn đến địa vị cao. Cũng có nhân vật chính xuất thân cao quý - như Đoàn Dự (Thiên long bát bộ) - nhưng được khắc họa theo hướng đời thường. Chàng yêu say mê Vương Ngữ Yên, nguyện cả đời chạy theo tà áo phất phơ của nàng bất chấp thân phận. Chiến thắng của những người lương thiện, gần gũi như vậy dễ truyền cảm hứng cho độc giả.
Nếu chủ đề và chất võ hiệp là xương sống tác phẩm, tình yêu làm "mềm hóa" câu chuyện. Đan cài giữa những trận chiến là các cuộc tình đủ cung bậc cảm xúc. Một mô-típ được Kim Dung hay dùng là tình yêu giữa hai nhân vật thuộc tầng lớp hoặc phe phái đối lập. Trương Vô Kỵ - thủ lĩnh nghĩa quân người Hán - yêu quận chúa Mông Cổ Triệu Mẫn (Ỷ thiên đồ long ký). Lệnh Hồ Xung - đại đệ tử chính phái - yêu Nhậm Doanh Doanh, con gái giáo chủ ma giáo (Tiếu ngạo giang hồ). Viên Thừa Chí yêu A Cửu - con gái kẻ thù giết cha mình (Bích Huyết kiếm). Đặc biệt nhất là tình yêu giữa đệ tử Dương Quá và nữ sư phụ Tiểu Long Nữ, bất chấp lời đàm tiếu của giang hồ trong Thần điêu hiệp lữ. Đây cũng là tác phẩm giàu chất lãng mạn nhất trong 15 tiểu thuyết của nhà văn quá cố. Tình yêu của Kim Dung không chỉ có màu hồng, mà còn đượm buồn ở những cuộc chia ly, như giữa Tiểu Chiêu và Vô Kỵ, giữa A Châu và Tiêu Phong. Kim Dung khắc họa chúng theo hướng gây cảm xúc vừa vặn, không quá bi kịch hóa hoặc đẫm nước mắt.
* 10 đại mỹ nhân trong thế giới võ hiệp Kim Dung
Truyện của Kim Dung không phải hoàn hảo mà cũng có những điểm yếu về cách kể. Vốn thuộc thể loại võ hiệp, những tác phẩm này có tình tiết ngẫu nhiên lặp lại nhiều lần, ví dụ như nhân vật hay tìm được bí kíp ở nơi vắng người. Tuy nhiên, do thế giới câu chuyện và các nhân vật được ông xây dựng quá hấp dẫn, đa dạng, tác phẩm vẫn dễ vượt qua các khiếm khuyết để đi vào lòng người. Nhận định về giá trị lớn nhất của tác phẩm mình, Kim Dung từng nói: "Giá trị tiểu thuyết của tôi nằm ở quan niệm đúng - sai, nhấn mạnh tinh thần nghĩa hiệp, ra tay trước chuyện bất công, bảo vệ lẽ phải".
Thiên Ân - Nghinh Xuân