-
10h30
'Sai sót trong Sách giáo khoa lớp 1 cần được tiếp thu cầu thị'
Giải trình các vấn đề liên quan đến Sách giáo khoa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hai ngày nay ông đã nghe nhiều ý kiến và trước kỳ họp, nhiều đại biểu, người dân cũng gọi điện, nhắn tin phản ánh.
"Chúng tôi đã lắng nghe, qua đó thấy rằng tất cả ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho ngành Giáo dục và Đào tạo để có bộ sách giáo khoa thật tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tôi trân trọng cảm ơn các đại biểu và người dân", Phó thủ tướng nói.
Ông cho biết, Luật Giáo dục sửa đổi quy định rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ hướng dẫn, quy trình biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định đến việc phê duyệt sách. Theo đó, luật quy định Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa. Việc này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng Chính phủ đặc biệt rất quan tâm. Trong các phiên họp Chính phủ gần đây đều nói về vấn đề sách giáo khoa. Thủ tướng nhắc rất nhiều lần. Phó thủ tướng hai lần họp với Bộ trưởng và Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng chuyên gia, hội đồng thẩm định.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP
"Sai đến đâu, mức nào thì cần có cơ quan chuyên môn. Như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói với tôi là Bộ trưởng cũng không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Nhưng qua các lần làm việc, tôi có thể nói cuốn tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều có lỗi, sai sót, sạn. Lỗi này cần được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học", ông Đam nói và khẳng định, những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học, nếu có người không hiểu thì phải trao đổi cởi mở, cầu thị.
Thủ tướng, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng tinh thần như trên. "Bộ trưởng đã báo cáo Chính phủ là đã nhìn nhận có sai sót và trách nhiệm theo luật. Bộ trưởng có chỉ đạo xử lý, cũng khá cương quyết như đã thay chủ tịch hội đồng thẩm định", ông Đam nói.
Hiện Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ rút kinh nghiệm nghiêm túc để quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không xảy ra tình trạng như vậy nữa.
Phó thủ tướng cũng phân tích, trước đây chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa cũng như quy định mặc đồng phục một màu, kiểu áo. Nhưng hiện nay quy định nhiều bộ sách giáo khoa tức là chỉ quy định đồng phục, còn chất liệu, kiểu dáng khác nhau.
"Dù có một hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi đã chỉ đạo Bộ tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo sách giáo khoa lên mạng sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để nghe góp ý, qua đó chắt lọc ý kiến đúng để tiêp thu, ý kiến chưa đúng thì phản hồi lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả vì tương lai đất nước và con cháu", ông Đam nói.
-
10h15
Sắp xếp huyện, xã giúp giảm chi lương, phụ cấp hơn 1.400 tỷ đồng
Đại biểu Hồ Thị Vân đánh giá cao kết quả sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã thời gian qua, giúp giảm chi lương, phụ cấp khoảng 1.431 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà đề nghị Chính phủ bên cạnh báo cáo về số lượng đơn vị tinh giản, cần đánh giá thêm thuận lợi, khó khăn liên quan đến đời sống người dân ở đơn vị hành chính mới.
Bà Vân cũng phản ánh việc giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp cần có thời gian, lộ trình thực hiện, khó hoàn thành trước 2022 như báo cáo của Bộ Nội vụ.
-
10h00
"Những lỗi trong Sách giáo khoa tiếng Việt có thể điều chỉnh được"
Về Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng "có lỗi", nhưng đây không phải sai sót quá nghiêm trọng, chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. Những lỗi này có thể điều chỉnh và sửa được trong lần tái bản tiếp theo.
Bộ Giáo dục Đào tạo đã có văn bản gửi các địa phương, khi giáo viên giảng bài, những bài có liên quan đến ngữ liệu này thì chỉ cần điều chỉnh cho phù hợp.
"Ta nên nhớ rằng Quốc hội thông qua dự án Luật với quy trình hết sức chặt chẽ, chu đáo nhưng vẫn có những sơ suất. Ngành giáo dục mới năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, không tránh khỏi sơ suất. Nên chúng ta cần có những chia sẻ để tất cả cùng chung sức, đồng lòng, cùng ngành giáo dục", ông Phương nói.
-
9h15
'Đổi mới sách giáo khoa phổ thông là vấn đề rất khó'
Giải đáp ý kiến về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có "sạn", bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo bày tỏ chia sẻ những lo toan, trăn trở của cử tri và các đại biểu.
Bà Ngô Thị Minh. Ảnh: Hoàng Phong
"Những lo toan đó hoàn toàn chính đáng. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề lớn và rất khó. Bộ và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến cử tri, giải trình trước Quốc hội. Việc đổi mới này đang phải chuyển hướng rất mạnh từ truyền thụ kiến thực một chiều cho học sinh sang phát triển năng lực, phẩm chất người học", bà Minh nói.
Sách giáo khoa là tài liệu và mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Việc dạy theo chủ đề sẽ giúp học sinh có nhiều cách nhìn nhận, cách tiếp cận bởi trình độ các em khác nhau.
Thời gian qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên việc bồi dưỡng giáo viên, học sinh theo chương trình mới là "áp lực rất lớn". Vì vậy, bà Minh mong đại biểu, cử tri hiểu và có sự đồng thuận.
-
9h00
Cần thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường
Bà Phạm Thị Thu Trang - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, đồng tình với phương hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ là chú trọng giảm thiểu tác hại thiên tai, bảo đảm tính mạng cho người dân.
Đề cập đến thực trạng mưa lũ, sụt lở nghiêm trọng thời gian qua, nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và kịp thời phân bổ ngân sách, nhu yếu phẩm, vật tư cho các tỉnh miền Trung.
"Việc phân tích, đánh giá và công bố thông tin chính thống về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp và khắc nghiệt như hiện nay cần phải làm ngay", bà Trang nói và cho rằng qua đó sẽ khắc phục những luồng thông tin chưa thống nhất về nguyên nhân sụt lở, ngập lụt thời gian qua. Kết quả phân tích này sẽ như kim chỉ nam trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội liên quan đến môi trường, đánh giá tác động môi trường.
"Cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án liên quan đến việc thu hẹp chuyển đổi đất rừng tự nhiên, tính đến việc phục hồi rừng tự nhiên", bà Trang nêu ý kiến.
-
8h45
"Mục tiêu GDP đầu người năm 2021 quá cao"
Về kế hoạch năm 2021, đại biểu Trần Văn Tiến nói chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề. "Đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý", ông nói.
Chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người, dự kiến đạt 3.700 USD, cũng được đánh giá là quá cao, vì bình quân năm 2020 mới đạt 2.750 USD, "đề nghị xem lại tính khả thi".
Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, thấp hơn năm 2019 và 2020, theo ông Tiến cũng cần xem lại, bởi Việt Nam đang nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng khoa học công nghệ.
-
8h30
Đề nghị có thêm chỉ tiêu về môi trường
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, chỉ tiêu chính về môi trường trong mục tiêu kinh tế hàng năm là tỷ lệ các khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mục tiêu này đến 2020 là 90%, cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, nhiều cử tri băn khoăn, nếu chỉ dùng chỉ tiêu này liệu đã phản ánh được đầy đủ bức tranh bảo vệ môi trường, có nên coi chỉ tiêu này là chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 10 năm tới hay không.
"Tôi thấy rằng chỉ tiêu này là cần thiết, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường hiện nay", ông Tuấn Anh nhận xét. Bởi lẽ theo báo cáo của Ban Dân nguyện, rất nhiều kiến nghị của cử tri tập trung vào các vướng mắc về vấn đề môi trường.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, báo cáo Quốc hội và cử tri giám sát. Đồng thời, Chính phủ phải xây dựng các chỉ tiêu đánh giá khác, có giải pháp đầu tư hạ tầng; yêu cầu 100% các khu công nghiệp, chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn vào cuối năm 2025, thay vì năm 2030 như mục tiêu hiện nay.
-
8h00
Hôm nay 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường. Các đại biểu sẽ cho ý kiến về kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế và chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) cũng tiếp tục được lấy ý kiến.
Trong phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên thảo luận sáng qua (3/11), các vấn đề liên quan đến lũ lụt ở miền Trung, thủy điện và giữ rừng được nhiều đại biểu quan tâm.
Trong phiên chiều, các ý kiến chất vấn và tranh luận tập trung vào chính sách kinh tế giai đoạn 5, 10 năm tiếp theo, mục tiêu tăng trưởng và các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tốc độ tăng nợ công, khả năng trả nợ, cân đối thu-chi ngân sách.
Cuối phiên họp, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bãi nhiệm đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc với tỷ lệ đồng ý 96,8%.