Chính phủ Anh hôm 14/7 công bố lệnh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei Technologies. Các nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ có thêm thời gian tới 2027 để loại bỏ các thiết bị Huawei đã lắp đặt ra khỏi hệ thống. Các hãng viễn thông khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ công ty Trung Quốc.
Động thái này đã chấm dứt 20 năm hợp tác của Anh với hãng viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies. Nó dĩ nhiên cũng khiến Bắc Kinh rất giận dữ. Hôm 15/7, Trung Quốc cho biết sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc cũng cảnh báo động thái này làm giảm đầu tư từ Trung Quốc trong tương lai.
"Cách Anh đối xử với Huawei sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc khác đáp lại tương tự", Đại sứ Trung Quốc tại Anh - Liu Xiaoming cho biết trong một cuộc họp báo, "Sự tin tưởng lẫn nhau đã giảm sút. Rất khó để các doanh nghiệp có niềm tin đầu tư thêm".
Mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc vài năm gần đây khá thân thiết. Họ là nền kinh tế lớn đầu tiên tại phương Tây tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Cựu Thủ tướng David Cameron cũng tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có một loạt nhà máy điện nguyên tử mới.
Tuy nhiên, "kỷ nguyên vàng" ngắn ngủi đó có thể sắp chấm dứt. Việc Trung Quốc trả đũa Anh là khó tránh khỏi. Theo số liệu hải quan, thiết bị viễn thông là lĩnh vực Anh nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc năm ngoái, với 7 tỷ bảng (8,8 tỷ USD).
Tác động với Anh
Lệnh cấm này "là sự đảo ngược chính sách đã được nhiều thế hệ lãnh đạo Anh thực hiện để thu hút các công ty Trung Quốc đầu tư vào đây, đặc biệt là Huawei", Tim Summers - cố vấn cấp cao tại Chatham House - một tổ chức cố vấn tại Anh cho biết. Việc này cũng có thể khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khác nghĩ lại về đầu tư vào Anh trong bối cảnh có rủi ro địa chính trị.
Sự đáp trả của Bắc Kinh sẽ có tác động lớn với Anh, trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với kinh tế sụt giảm vì đại dịch, khủng hoảng việc làm và nguy cơ Brexit không thỏa thuận. Bất chấp việc chính phủ can thiệp để bảo vệ việc làm và hồi sinh nền kinh tế, gần một phần ba doanh nghiệp Anh vẫn có kế hoạch giảm nhân sự trong 3 tháng tới, một báo cáo của Phòng thương mại Anh công bố hôm qua (16/7) cho biết.
Anh hiện cần càng nhiều đồng minh càng tốt để thay thế các thỏa thuận thương mại họ từng được hưởng khi còn là thành viên EU, và cũng để tìm thêm cơ hội mới mà Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết hậu Brexit.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết năm ngoái, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Anh, sau Mỹ và EU, đóng góp 4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ của Anh với quy mô kỷ lục 30,7 tỷ bảng (38,7 tỷ USD).
Năm ngoái, vàng, xăng dầu, xe motor và thuốc đóng góp hai phần ba hàng hóa Anh xuất khẩu sang Trung Quốc, với tổng giá trị 15,5 tỷ bảng (19,5 tỷ USD). Jaguar Land Rover - hãng xe lớn nhất nước này - ghi nhận khoảng 20% doanh thu từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng là thị trường quan trọng với các hãng đồ xa xỉ, như Burberry (với 40% doanh thu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Tương tự, đầu tư của Trung Quốc vào Anh cũng rất quan trọng. Trong một thập kỷ qua, giá trị các khoản đầu tư và hợp đồng của Trung Quốc tại Anh đã vượt 81 tỷ USD, theo Viện Doanh nghiệp Mỹ. Một phân tích của Cambridge Econometrics cũng cho thấy quan hệ Anh - Trung Quốc đã giúp duy trì hơn 100.000 việc làm, chủ yếu nhờ hàng tỷ USD mà du khách và du học sinh Trung Quốc chi ra.
London là thành phố hưởng lợi lớn từ việc Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát nội tệ. Thành phố này đã trở thành trung tâm giao dịch hàng đầu cho đồng nhân dân tệ, với giá trị trung bình 82 tỷ bảng mỗi ngày trong quý III/2019. Khu vực quận tài chính ở London cũng có hơn 30 công ty Trung Quốc. Nhiều công ty khác cũng lên kế hoạch mở văn phòng đại diện tại đây, City of London Corporation cho biết. Thỏa thuận giữa Sàn chứng khoán Thượng Hải và London càng thắt chặt quan hệ tài chính hai nước.
Tuy nhiên, những mối quan hệ này đang gặp nguy hiểm. Trung Quốc có thể ngừng cấp phép cho các công ty Anh phát hành thêm cổ phiếu, hoặc thậm chí không cho tiếp cận thị trường nước này, Paul Triolo - một lãnh đạo tại Eurasia Group cảnh báo. Họ cũng có thể ngừng đầu tư vào dự án điện hạt nhân, hoặc ngừng đàm phán thỏa thuận thương mại.
Rất nhiều công ty Anh đang phải dựa vào nhà cung cấp Trung Quốc. Năm ngoái, họ nhập khẩu gần 47 tỷ bảng (59 tỷ USD) hàng hóa từ nước này. Một nghiên cứu gần đây của Henry Jackson Society cho thấy Anh cần Trung Quốc để có nguồn cung với 50% trong số 229 mặt hàng, như laptop, điện thoại di động, thuốc và hàng hóa sử dụng trong công nghiệp.
Mối quan hệ kinh tế căng thẳng
Anh được cho là đang đi trên băng mỏng. Chính phủ nước này đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi chỉ trích luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áo lên Hong Kong, đồng thời đề xuất cấp quyền công dân cho hàng triệu người Hong Kong.
Đại sứ Liu tuần trước cảnh báo Anh sẽ phải "gánh hậu quả" nếu coi Trung Quốc là "quốc gia thù địch". Tờ Global Times của Trung Quốc tuần này cũng cho biết việc trả đũa sẽ khiến Anh "đau đớn". Trước đó, Bắc Kinh đã không ngần ngại áp thuế nhập khẩu lên lúa mạch và thịt bò Australia sau khi nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể lưỡng lự trong việc làm mạnh tay với Anh, do đây vẫn là thị trường béo bở với hàng hóa Trung Quốc. Và bất kỳ động thái nào với Anh cũng sẽ được các nước như Đức hay Hà Lan theo dõi sát sao. Các thị trường này còn quan trọng với doanh nghiệp Trung Quốc hơn.
Veerle Nouwens - nhà nghiên cứu tại Royal United Services Institute cho biết: "Đừng quên là Trung Quốc vẫn đang hồi phục sau đại dịch. Có thể họ sẽ cảm thấy cái giá của việc phản ứng mạnh với Trung Quốc còn lớn hơn lợi ích từ việc này".
Việc trả đũa có thể sẽ nhẹ tay
Bắc Kinh cũng còn nhiều điều phải cân nhắc khi muốn tác động đến thương mại song phương. Ví dụ, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc vẫn muốn mua sản phẩm từ các thương hiệu Anh và du lịch tới Anh, Summers nói. "Những điều này không thể thay đổi hoàn toàn qua một đêm được đâu", ông cho biết.
Các cửa hàng xa xỉ, nhà hàng và đại học Anh cũng rất cần khách Trung Quốc quay lại, do du lịch đang giảm sút vì đại dịch. Anh là điểm đến du học phổ biến nhất của người Trung Quốc năm 2018 - 2019. 120.000 sinh viên Trung Quốc tại đây chi khoảng 1,9 tỷ bảng (2,4 tỷ USD), theo số liệu của Cambridge Econometrics.
Việc chặn du học tại Anh sẽ rất khó khăn và cũng rủi ro với Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại. Charles Parton - cựu quan chức ngoại giao Anh cho biết: "Trung Quốc sẽ trả đũa, nhưng tôi không cho rằng chúng ta nên phóng đại mức độ ảnh hưởng của việc này". Ông lấy ví dụ Trung Quốc có bất đồng với nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, nhưng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong thời kỳ bị trả đũa kinh tế.
Hà Thu (theo CNN)