"Hơn 10 năm trước, mỗi lần về Sài Gòn chơi, tôi thấy thành phố vốn đã rất nhộn nhịp về đêm. Trước 3h sáng, một số khu vực thậm chí còn đông người hơn cả ban ngày. Khách phương Tây rất thích vui chơi, ăn uống ở những nơi như vậy. Thế nên, TP HCM có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ về đêm.
Tất nhiên, ủng hộ kinh tế đêm nhưng chúng ta vẫn phải kiểm soát tốt các hệ lụy liên quan như trộm cướp, mại dâm trá hình... Ai từng đi Thái Lan, Hà Lan, Nhật Bản mới thấy, kinh tế đêm của họ nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần bài bản. Gần bảy năm về nước sinh sống, tôi thấy so với thời điểm năm 2010, đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều biến chuyển mô hình kinh tế này. Hy vọng đề án này sẽ mang đến một bộ mặt mới cho TP HCM nói riêng và cả nước nói chung".
Đó là quan điểm của độc giả Người Nhà Quê về những trải nghiệm thực tế về hoạt động ban đêm tại Sài Gòn và cơ hội khi phát triển "thành phố 24h". Trước khi TP HCM lên kế hoạch lập quy hoạch bài bản cho một "Sài Gòn không ngủ", nền kinh tế ban đêm đã được chú trọng phát triển tại nhiều thành phố lớn trên thế giới các thập niên qua, mang lại hàng tỷ USD mỗi năm cho các thành phố và tạo ra hàng triệu việc làm. Trong khi đó, tại TP HCM, do chưa có quy hoạch bài bản, kinh tế đêm quận 1 mới sôi nổi ở nhóm ẩm thực, trong khi các hoạt động khác chưa phong phú, ít thu hút khách.
>> Làm du lịch kiểu 'khuya rồi về ngủ đi'
Lấy ví dụ từ cách phát triển kinh tế đêm tại các nước trong khu vực, độc giả Bobolwk phân tích: "Các thành phố phương Tây không sôi động bằng một số nơi ở châu Á như: Hong Kong, Tokyo, Singapore, Bangkok và thậm chí cả Kuala Lumpur... Ở những nơi đó, người ta hợp pháp hóa và bắt đầu lập kế hoạch cho toàn bộ khuôn khổ cho ngành công nghiệp giải trí, du lịch và thậm chí cả thực phẩm và đồ uống về đêm, vì nó thực sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quốc gia và thu nhập bình quân đầu người.
Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các thành phố ở châu Á để hiểu rằng, giải trí về đêm không có nghĩa là không lành mạnh và bất hợp pháp. Thay vào đó, nếu lập kế hoạch hợp lý và triển khai hiệu quả để khách du lịch và cả người dân địa phương có thể tận hưởng các hoạt động giải trí về đêm thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Chẳng hạn, chương trình biểu diễn nửa đêm tại rạp chiếu phim, ban nhạc sống hoặc thậm chí karaoke trong tòa nhà... là những môi trường lành mạnh để thanh thiếu niên hoặc trẻ em có môi trường an toàn và sạch sẽ để tận hưởng sau một tuần làm việc dài. Họ cũng có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ đồ ăn và đồ uống ban đêm. Tất cả những điều này chính là trải nghiệm thực tế của tôi trong thời gian ở Singapore, rất đáng để Việt Nam học hỏi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Ánh Dương chỉ ra những điều tích cực mà kinh tế đêm có thể đem lại cho Việt Nam: "Rất nhiều khách du lịch từ Âu-Mỹ đến Việt Nam hầu như đều thức đêm do ảnh hưởng từ múi giờ nước họ. Vậy không lẽ ngành du lịch không chú ý đến đặc điểm đó để tận dụng phục vụ và mang lại doanh thu?
Nhiều quốc gia phát triển đã chủ động xây dựng 'thành phố 24h' như New York, Tokyo, Bangkok để không bỏ phí bất kỳ giờ vàng kinh doanh nào. Trong khi đó, thế hệ trẻ hiện nay tiếp cận kiến thức dinh dưỡng, thể thao, tâm lý tốt hơn rất nhiều so với trước. Họ có thể xoay ca linh hoạt, ngủ bù khoa học, và chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhịp sống cá nhân. Thế nên, điều quan trọng không phải là 'tránh hoàn toàn làm đêm', mà là quản lý, tổ chức và bảo vệ sức khỏe người lao động trong môi trường hoạt động 24/7.
Các quốc gia châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã vận hành hiệu quả kinh tế đêm từ lâu rồi. Đây là xu thế toàn cầu, không phải văn hóa vùng miền, và chúng ta cần sớm hòa nhập thế giới. Đúng hay sai không nằm ở chuyện Tây hay Ta, mà nằm ở cách làm. Kinh tế đêm mà không có quy hoạch, không có luật bảo vệ sức khỏe người lao động, thì dù ở đâu cũng thành tai họa. Nhưng nếu làm bài bản, nó không chỉ tạo ra ngoại tệ mà còn mở rộng cơ hội việc làm cho nhiều tầng lớp. Không nên đánh giá bằng định kiến văn hóa, mà nên nhìn bằng hiệu quả và chính sách cụ thể".
Trung tuần tháng 3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được giao UBND quận 1 phối hợp các sở ngành, chuyên gia để xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm. Trước mắt, quận 1 thí điểm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đêm dọc sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son đến bến Nhà Rồng. TP HCM là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, theo Quyết định 1129 của Chính phủ năm 2020 cho phép thí điểm kéo dài thời gian hoạt động dịch vụ đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số nơi.
Lê Phạm tổng hợp
- 'Kinh tế đêm ì ạch khiến du lịch Việt lép vế'
- Kinh tế đêm - cảnh sát Thái ngồi 'canh' phố ăn khuya
- 'Vào chợ đêm Việt toàn thấy xúc xích rán, Tokbokki'
- Tôi du lịch Thái Lan 7 ngày chưa chán
- 'Đi Thái Lan ba lần một năm không thấy tiếc tiền'
- 'Chuyến du lịch Thái Lan 7 triệu đồng đáng giá hơn đi trong nước'