Sau đại dịch Covid -19, du lịch Việt Nam từng bước hồi phục nhưng còn chậm. Một vấn đề đặt ra cho du lịch nước ta trong giai đoạn hiện nay là cần gắn kinh tế đêm với phát triển du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có kinh tế đêm để tạo điều kiện cho du khách khi đến địa phương nào đó du lịch có thể vui chơi, tiêu xài thỏa thích, tránh tình trạng "chẳng biết chơi gì sau 22h vì hàng quán đóng cửa hết". Nhưng, cũng có không ít ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải như vậy "sau 22h đóng cửa là đúng rồi chơi bời gì nữa giờ này", hay "lúc nào cũng muốn học theo Thái Lan, để rồi đi du lịch Việt Nam hay là du lịch phiên bản Thái Lan"...
Chúng ta có thể hiểu du lịch đơn giản là đi đến vùng đất khác để tham quan, thăm thú, ăn chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng... Địa phương được du lịch phải đáp ứng được nhu cầu đó của du khách. Nhưng hiện nay các địa phương ở Việt Nam cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, còn các dịch vụ vui chơi, giải trí... cho du khách hết sức hạn chế. Đặc biệt, phát triển các dịch vụ về đêm cho du khách chưa được nhiều địa phương chú trọng.
Những người bạn của tôi làm du lịch thường đùa rằng: "Đà Lạt của anh chán phèo, chẳng còn gì chơi sau 22h, mới 21h30 khách đang ngồi nhậu thì nhân viên nhà hàng đã ra dọn bàn ghế". Thật thế, Đà Lạt vài thập niên trước còn "buồn" hơn, vì mới 21h đường phố đã vắng hoe, hàng quán đóng cửa hết, chỉ còn chợ đêm Đà Lạt mở cửa nên du khách thật sự không có chỗ chơi đêm.
Không chỉ Đà Lạt, nhiều địa phương khác cũng thế, nếu có nhiều lắm là khu chợ đêm - hoạt động trong một phạm vi rất hạn chế và dịch vụ cũng không đa dạng. Tâm lý du khách ngoài tham quan, nghỉ dưỡng... còn thích khám phá địa phương hoặc vui chơi, giải trí... Thậm chí nhiều người muốn "xõa" thỏa thích để bù lại những ngày làm việc vất vả. Vì thế, nhà hàng, quán bar, quán karaoke, các khu vui chơi... đóng cửa sau 22h đồng nghĩa với việc địa phương tự đánh mất đi nguồn thu lớn từ du khách. Điều tai hại hơn là chúng ta sẽ không níu chân được du khách, người ta sẽ không muốn quay lại lần nữa.
>> 'Kinh tế đêm ì ạch khiến du lịch Việt lép vế'
Gần chỗ tôi ở, có một tiệm tạp hóa của người Hoa mở cửa suốt ngày đêm, bốn người trong gia đình chia ca ra bán. Có lần tôi hỏi anh con trai: "Bán ban đêm làm gì cho mệt?". Anh nói: "Khu vực này nhiều khách sạn, đêm khuya nhưng khách vẫn hay ra mua bia, rượu, bánh kẹo các thứ... mình đáp ứng nhu cầu của họ, vừa có thu nhập". Đó là một quan điểm kinh doanh, phục vụ đáng học hỏi.
Năm 2019, tôi sang Xiêm Riệp – một thành phố nhỏ của Campuchia, nhưng họ có khu kinh tế đêm phục vụ du khách hết sức sôi động. Tại Singapore, dù đảo quốc này nhỏ bé, các khu vực tham quan tự nhiên không nhiều, nhưng hoạt động dịch vụ đêm của họ thật tốt. Tại khu vực sông Singapore, trên bến dưới thuyền ban đêm hết sức tấp nập. Du khách có thể đi dạo trên thuyền ngắm phố đêm, thưởng ngoạn các công trình kiến trúc, có thể ghé vào các quán bar, nhà hàng đủ loại, đủ kiểu để thư giãn. Hoặc, khách có thể ghé xem nhạc nước, các chương trình nghệ thuật đêm, có thể vào các khu phức hợp, để chơi bài, hay tham quan, mua sắm... Năm 2019, trước đại dịch Covid – 19 bùng nổ, doanh thu từ du lịch Singapore lên đến 20,82 tỷ USD, trong đó chắc chắn có sự đóng góp vô cùng lớn từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ ban đêm.
Kinh tế đêm rõ ràng rất quan trọng trong phát triển du lịch của đất nước, của địa phương. Vậy rào cản cho sự phát triển của nó là gì? Theo tôi, có nhiều rào cản, nhưng có ba điều quan trọng. Thứ nhất, chính quyền địa phương còn lúng túng trong quản lý các hoạt động về đêm, sợ mất an ninh trật tự địa phương. Thứ hai, một số địa phương có hoạt động ban đêm, nhưng dịch vụ còn hạn chế, đơn điệu, chủ yếu tập trung vào ăn uống. Thứ ba, tâm lý e ngại các hoạt động dịch vụ về đêm của cộng đồng cư dân bản địa, sợ ồn ào, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc hôm sau của mình.
>> 'Hà Nội buồn tẻ vì 23h hàng quán đã đóng cửa'
Vậy các vấn đề này cần giải quyết ra sao? Theo chúng tôi cần chú ý: quy hoạch, xây dựng hoạt động kinh tế đêm ở các địa phương một cách khoa học, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương và cộng đồng dân cư địa phương; đa dạng hóa các loại hình kinh tế đêm, bên cạnh các dịch vụ ăn uống còn thêm các dịch vụ giải trí khác như nghệ thuật dân gian địa phương, tham quan đêm...
Anh bạn làm du lịch của tôi có một câu nói rất hay: "Đà Lạt nên tổ chức các tour tham quan đêm ở nhà ma và các trải nghiệm đêm khác; cần cho cộng đồng dân cư địa phương được tham gia và thấy lợi ích từ hoạt động kinh tế đêm, có ý thức cùng chính quyền thực hiện và quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm". Điều quan trọng, chúng ta không phải "bắt chước" Thái Lan hay Singapore mà là học tập những điều tốt từ họ để xây dựng mô hình kinh tế đêm phù hợp với từng địa phương cụ thể.
Khách đi du lịch không có khái niệm "khuya rồi về ngủ", mà là "mệt rồi về nghỉ", vì thế việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ kinh tế đêm làm sao phục vụ du khách tối đa để du khách được "mệt rồi về nghỉ", khi rời địa phương vẫn nhớ từng "thâu đêm, suốt sáng" và "hẹn lần sau trở lại".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.