Nội dung đề cập trong báo cáo khó khăn, vướng mắc một số dự án vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND thành phố kiến nghị Trung ương sớm giải quyết.
Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được Thủ tướng duyệt 10 năm trước. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, giúp TP HCM phát triển, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn, trong đó chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km hoàn thành.
Hai đoạn được đề xuất đầu tư, gồm: Bình Chuẩn - quốc lộ 22 (dài 19 km, từ TP Thuận An, Bình Dương đến huyện Hóc Môn, TP HCM), đầu tư hơn 11.700 tỷ đồng. Giai đoạn một, dự án làm đường rộng 24 m cho 4 làn xe, mở lên 67-74 m cho 6-8 làn ở giai đoạn hai. Đoạn này tương lai kết nối cao tốc TP HCM - Mộc Bài dự kiến năm 2025 hoàn thành.
Đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức (dài 29 km, từ Hóc Môn, TP HCM đến đầu tỉnh Long An), tổng đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng. Giai đoạn một, công trình làm đường rộng 24 m cho 4 làn xe, vận tốc 100 km/h; giai đoạn hai mở lên 67 m cho 6 làn. Đoạn này sẽ giúp kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai.
Hai đoạn này đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay mặt Bộ Giao thông Vận tải quản lý dự án) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tháng 10 năm ngoái. Trong đó đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 được đề xuất vay hơn 234 triệu USD từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và 270 triệu USD vốn đối ứng. Đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức đề xuất vay Ngân hàng Phát triển châu Á khoảng 309 triệu USD, vốn đối ứng 215 triệu USD.
Đoạn cuối cùng là Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài hơn 34 km, được chia làm 4 dự án thành phần 1A, 1B, 2A và 2B. Trong đó, hai dự án 1A và 1B, tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng đang triển khai thủ tục, dự kiến khởi công quý 3 năm nay. Dự án 2A và 2B, tổng vốn gần 6.700 tỷ đồng, đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xúc tiến đầu tư.
Gia Minh