Góp ý sửa Nghị định 95 kinh doanh xăng dầu cho Bộ Công Thương, tỉnh Kiên Giang cho rằng, các quy định phải đặt hài hoà lợi ích các bên tham gia chuỗi cung ứng, tiêu dùng (Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng).
Theo tỉnh Kiên Giang, đứt gãy chuỗi cung ứng vừa qua có nhiều nguyên nhân, cốt lõi là do doanh nghiệp không thể duy trì kinh doanh do thua lỗ kéo dài. Cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó số lượng cửa hàng của hai doanh nghiệp Nhà nước nắm thị phần chi phối (Petrolimex, PVOil) khoảng trên 3.000 cửa hàng, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp tư nhân và hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối khác. Trong khi đó, hệ thống chuỗi các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp lớn (tập đoàn, công ty có vốn Nhà nước chi phối) chưa phủ đều đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, mà do doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tư nhân... đảm đương.
Tuy nhiên, hiện không có quy định chiết khấu định mức (mức hoa hồng các đầu mối, thương nhân phân phối trích lại) cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn tới nhiều đơn vị thua lỗ, phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Do đó, tỉnh này đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định chiết khấu định mức theo tỷ lệ % nhất định trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Việc này để doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh tình trạng phải ngừng kinh doanh như vừa qua. Tỉnh cũng đề nghị doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn, thay vì một nguồn (nhà cung cấp) như hiện nay, để đảm bảo cạnh tranh, chủ động nguồn cung.
Đề nghị cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn và cần có mức chiết khấu tối thiểu cũng là góp ý của Bộ Tài chính và hàng trăm doanh nghiệp xăng dầu khi gửi kiến nghị lên Thủ tướng gần đây.
Theo Bộ Tài chính, cần quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ để họ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
Về phía các đơn vị bán lẻ, họ cho rằng cần quy định chiết khấu tối thiểu, 5-6% trên giá bán lẻ tuỳ thời điểm trong cơ cấu giá thành cơ sở.
"Cần quy định chiết khấu tối thiểu và xem đây là một công cụ để quản lý "hàng hóa đặc biệt" để hệ thống vận hành ổn định. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn, xảy ra bất ổn thị trường", ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc, nêu quan điểm.
Cũng tại văn bản góp ý, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng không nên khống chế họ chỉ được mua từ 3 đầu mối xăng dầu như tại dự thảo Nghị định. Lý do, nếu khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối, sẽ ảnh hưởng tới tạo nguồn, chưa đảm bảo cạnh tranh.
Mặt khác, nếu 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu bị cơ quan quản lý xử phạt vi phạm hành chính như tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh của thương nhân phân phối do đứt nguồn cung. Như vậy, thương nhân phân phối không vi phạm lại bị liên đới ảnh hưởng đến quyền kinh doanh xăng dầu, do đứt nguồn cung từ đầu mối cung ứng.
Vì thế, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị giữ nguyên như hiện nay, là thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn cung.
Về chu kỳ, thời gian điều hành giá xăng dầu, Kiên Giang đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định chu kỳ điều hành giá xăng dầu tính trên cơ sở định mức (thời gian) dự trữ bắt buộc tối thiểu của thương nhân kinh doanh xăng dầu (đầu mối là 20 ngày, thương nhân phân phối 5 ngày). Cụ thể, chu kỳ điều hành giá xăng dầu bằng tỷ lệ 0,5 hoặc 0,25 với định mức (thời gian) dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu của các thương nhân kinh doanh, và chu kỳ điều hành phải phù hợp với biến động giá thế giới.
Thời gian điều hành giá kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết để không làm tăng độ trễ của thị trường, nhất là khi thị trường xăng dầu có biến động.