Hơn 250 đơn kiến nghị khẩn cấp về những bất ổn của thị trường vừa được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi tới Thủ tướng. Đây là những doanh nghiệp bán lẻ đang sở hữu gần 9.000 cửa hàng trên cả nước. Các kiến nghị này xoay quanh việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu (tại Nghị định 83/2014 và 95/2021).
Trong đơn, 250 chủ doanh nghiệp đề xuất được lấy hàng từ 3 nguồn khác nhau như thương nhân phân phối để tránh bị khan và thiếu hàng cục bộ.
"Nếu chỉ cho nhập hàng từ một đầu mối sẽ làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu", ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hồng Thư nêu.
Ngoài bất cập về nguồn hàng, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi các quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu... để đảm bảo tính công bằng, sớm chấm dứt tình trạng "mở bán thì thua lỗ, đóng cửa thì bị cơ quan chức năng xử phạt" trong suốt hơn một năm qua.
Ông Huỳnh Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huy Phi Long chia sẻ, từ tháng 9/2021 đến nay doanh nghiệp của ông liên tục bị thua lỗ do bất công trong quy định về chiết khấu. Cả năm qua công ty chỉ nhận được mức chiết khẩu 100-200 đồng một lít xăng, trong khi đó các chi phí đầu vào để phân phối cao khiến doanh nghiệp lỗ nửa tỷ đồng.
"Thua lỗ nhưng tôi vẫn phải tiếp tục hoạt động. Tình trạng này còn tiếp diễn công ty sẽ phải giải thể", ông Phong nêu trong đơn kiến nghị.
Tương tự, hàng trăm doanh nghiệp khác cũng cho biết họ đang thua lỗ nặng, có những đơn vị số lỗ lớn tới cả chục tỷ.
Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Bội Ngọc, nửa năm qua các doanh nghiệp bán lẻ luôn bị "chèn ép", không có chiết khấu vẫn phải kinh doanh khiến họ lỗ nặng và kiệt quệ. Trên thị trường đang có sự bất công khi thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Họ được hưởng nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng. Do đó, khi thị trường bất ổn họ giảm chiết khấu, chén ép đơn vị bán lẻ.
"Tôi đề nghị trong nghị định mới cần có tỷ lệ chiết khấu cố định tối thiểu bằng 5% trên giá bán lẻ theo từng thời điểm cho đại lý bán lẻ trong cơ cấu giá thành cơ sở", ông Tây đề xuất.
Trong thực tế, theo quy định tại công thức tính giá cơ sở có chi phí kinh doanh định mức đối với mỗi lít xăng dầu (1.000-1.250 đồng một lít tùy loại) nhưng tại nhiều thời điểm, theo các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp đầu mối giữ lại toàn bộ số tiền trên, chiết khấu 0 đồng khiến nhiều đơn vị phân phối lỗ nặng trong thời gian qua.
Giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu có hơn 20 cửa hàng tại TP HCM cho biết, đã lỗ chục tỷ đồng vì chiết khấu xăng dầu luôn về 0. Do đó, nếu được quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở khi sửa đổi Nghị định 83 và 95, doanh nghiệp bán lẻ sẽ tránh được tình trạng các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đưa ra mức chiết khấu 0 đồng.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ, khi cho họ được lấy hàng từ 2-3 nguồn. Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong đàm phán mua hàng.
Riêng về mức chiết khấu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu, để các doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp cung cầu thị trường. Trường hợp để đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại), các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.
Hiện thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng, trong đó có 3.000 cửa hàng của hai doanh nghiệp Nhà nước, còn lại thuộc về các đơn vị bán lẻ.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia.
Thi Hà